Trên trang 3 các số báo 25 ra ngày 12/2/2011 và số 33 ra ngày 26/2/2011, báo Sức khỏe & Đời sống đã có hai bài viết: “Cháy vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh Gia Lai - Nông dân khóc ròng” và “Tranh giành nguyên liệu mía đường ở Gia Lai vẫn nóng!?” phản ánh tình trạng cả vùng nguyên liệu mía ở Thung lũng Ayun Pa (Gia Lai) bị cháy trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011 khiến người nông dân trồng mía điêu đứng. Ngày 2/4, ông Cáp Thành Dũng- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường- nhiệt điện Gia Lai đã có thư cảm ơn gửi đến Ban biên tập báo Sức khỏe & Đời sống.
Thư cảm ơn của Công ty Cổ phần mía đường - nhiệt điện Gia Lai khẳng định những bài viết phản ánh trên báo Sức khỏe & Đời sống về mía đường dịp Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011 đã góp thêm tiếng nói để chính quyền địa phương và các ngành chức năng vào cuộc cùng với công ty để hạn chế tình trạng mía cháy, ổn định vùng nguyên liệu, nâng cao thu nhập của người trồng mía và ủng hộ quá trình sản xuất của công ty. Trong thư, Công ty Cổ phần mía đường - nhiệt điện Gia Lai bày tỏ sự cảm ơn chân thành về sự hợp tác của báo Sức khỏe & Đời sống.
Trước đó, theo điều tra của phóng viên Trần Đức Phương, trên địa bàn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên hiện có 7 nhà máy đường. Các nhà máy này ồ ạt đua nhau nâng công suất, nhưng không đi đôi với phát triển vùng nguyên liệu nên thiếu hụt nguyên liệu về cuối vụ. Để duy trì sản xuất, buộc phải dẫn đến “cuộc chiến” giành nguyên liệu. Do đó, không ít nhà máy đang thực hiện phương châm “sân nhà” ép giá để phá giá “sân khách”- nhằm tranh mua, xâu xé vùng nguyên liệu của nhau. Và để thực hiện được việc đó họ thông qua đội ngũ “cò” mía và có chế độ thưởng cho các cò khi “đánh chiếm” được nhiều xe mía về cho mình. Để tranh mua mía, các nhà máy kia sẵn sàng mua mía tại ruộng giá cao hơn của Nhà máy Đường Ayun Pa khoảng vài giá (tức vài chục ngàn đồng/tấn) và khi cân mía nhập họ tính thêm cho 300.000 đồng/tấn tiền chi phí vận chuyển. Do đó, mỗi xe mía trung bình chở 30 tấn vượt 150 cây số từ Ayun Pa lên Nhà máy Đường Kon Tum, “cò” mía thu về 9 triệu đồng tiền vận chuyển, trừ chi phí xăng dầu, “lộ phí” đường sá khoảng 3 triệu đồng, thì còn lãi đến 6 triệu đồng/xe - quả là một khoản lời béo bở! Cũng vì thế mà đội ngũ “cò” mía ngày càng đông.
Những năm qua, mặc dù giữa Nhà máy Đường Ayun Pa và chủ mía đều ký kết hợp đồng đầu tư và bán mía từ đầu vụ. Song trước sự thúc bách của cơn lốc mía cháy liên tiếp đe dọa và lợi nhuận mà các “cò” mía câu kéo khiến không ít chủ mía âm thầm phá bỏ hợp đồng để bán mía cho thương lái chở ra ngoài tỉnh. Về vấn đề này, trả lời bài viết trên báo Sức khỏe & Đời sống, ông Cáp Thành Dũng –Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã nói: “Để thuận tiện “đánh chiếm” vùng nguyên liệu mía của nhà máy đường Ayun Pa, đã có tình trạng các nhà máy ngoài vùng, xúi giục kẻ gian đốt mía ép nông dân nóng ruột phải bán mía ra ngoài vùng”.
Bài điều tra cũng đã khẳng định chính cách làm ăn chụp giật, thiếu bền vững này đã khiến cho vùng nguyên liệu màu mỡ của Gia Lai năm nào cũng diễn ra tình trạng tranh mua-tranh bán, đốt mía, gây tâm lý hoang mang, làm mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Chúng tôi hoan nghênh tinh thần hợp tác của Công ty Cổ phần Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai.