Hà Nội

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III

10-07-2013 15:30 | Y tế
google news

Sáng 10/7, tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi gặp mặt báo chí phát động cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III do Bộ Y tế, Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức.

Sáng 10/7, tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi gặp mặt báo chí phát động cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III do Bộ Y tế, Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức.

Cuộc thi lần này là sự tiếp nối thành công của các cuộc thi trước nhằm tôn vinh giá trị nhân văn cao cả của ngành y, tiếp tục phát hiện, cổ vũ những tấm gương thầy thuốc trên mọi miền đất nước.

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III. Ảnh: Trần Minh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III khẳng định, thông qua cuộc thi này, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng ngày càng trở nên thân thuộc hơn với cộng đồng qua ngòi bút của các tác giả là những nhà báo chuyên và không chuyên. Qua các tác phẩm báo chí viết về những người thầy thuốc bằng tấm lòng nhân văn về con người và sự công tâm trước cuộc sống của các tác giả thông qua ngòi bút của mình, người đọc có thể thấy được sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ y tế ở mọi góc độ, gây xúc động lòng người.

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 2
Nhà báo Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng giám khảo phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: T.Minh.
Thay mặt Hội đồng giám khảo, nhà báo Hữu Thọ, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cũng bày tỏ sự tin tưởng cuộc thi sẽ thành công tốt đẹp và bảo đảm sự công tâm của hội đồng giám khảo trong việc lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Hơn 50 năm cầm bút, ông cũng cho rằng, báo chí ngoài việc phản ánh những mặt tiêu cực của đời sống thì cũng rất cần đến những bài viết chân thực về những tấm gương hy sinh cao cả và “thờ chính, trừ tà” cũng là hướng chủ đạo của những ngòi bút trước hiện thực xã hội.
Ông cũng chia sẻ, trong những lần chấm giải trong các cuộc thi trước viết về tấm gương những người thầy thuốc, chính bản thân ông và những thành viên khác trong ban giám khảo càng hiểu thêm về những con người và những công việc của ngành y và thêm tin tưởng, yêu đời và hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Đây đã là năm thứ ba Bộ Y tế và Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi này nhưng không vì thế mà có sự lặp lại hay nhàm chán bởi mỗi năm sẽ có những tấm gương khác nhau và gặp lại tấm lòng của những cây bút gửi gắm trong mỗi bài viết. Theo ông, để có được những bài viết chân dung sâu sắc, ấn tượng về một nhân vật nào đó thì người viết cần phải “yêu” nhân vật 5 phần mới có thể chuyển tải được một phần tình yêu đó đến với người đọc.
Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 3
Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống - BS Trần Sĩ Tuấn phát biểu tại lễ phát động cuộc thi. Ảnh: Trần Minh.
Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 4
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa cho Tổng Biên tập Báo SK&ĐS Trần Sĩ Tuấn tại lễ phát động. Ảnh: TM.
Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 5
Bộ trưởng Bộ Y tế tặng hoa cho các thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng" lần III. Ảnh. T.Minh.

Phát biểu tại lễ phát động cuộc thi năm nay, Nhà thơ- Nhà báo- Thầy thuốc ưu tú Trần Sĩ Tuấn, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống nhấn mạnh, những người thầy thuốc tận tụy hy sinh, âm thầm cống hiến trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại niềm tin vào sự sống cho cộng đồng, như “ngọc trong đá, quặng trong đất”. Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống tin tưởng rằng, bằng tài năng, tâm huyết và tình cảm dành cho ngành y, các tác giả sẽ phát hiện, thâm nhập vào đời sống của các y bác sĩ và viết nên những câu chuyện cảm động về họ. Tổng Biên tập Trần Sĩ Tuấn cũng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng đã ủng hộ và chỉ đạo cho cuộc thi, Hội đồng giám khảo, nhà tài trợ, các tác giả đã đồng hành cùng Báo Sức khỏe & Đời sống trong các cuộc thi.

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 6
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tặng hoa cho ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP dược phẩm ECO, nhà tài trợ độc quyền cho cuộc thi. Ảnh: TM.

Đồng hành và tài trợ cho cuộc thi năm nay, ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm ECO cho biết, đây là vinh dự của doanh nghiệp đối với hoạt động có ý nghĩa thiết thực vì cộng đồng. Ông Dũng cũng bày tỏ ECO sẵn sàng đồng hành với cuộc thi và kỳ vọng cuộc thi năm nay sẽ thành công hơn, đạt hiệu quả cao hơn những năm trước.

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 7
Quang cảnh lễ phát động. Ảnh: TM.
Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần 1 và 2 (năm 2010 và 2012) do Bộ Y tế, Báo Sức khỏe & Đời sống phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi, mang lại hiệu ứng xã hội lan tỏa, mở rộng tầm ảnh hưởng của ngành y đối với toàn xã hội. Qua đó, hơn 700 tác phẩm gửi đến dự thi cũng là sự phản ánh chân thực về công việc, đời sống của hơn 700 tấm gương. Trong số đó, nhiều tấm gương thầy thuốc hy sinh thầm lặng đã được xã hội biết đến, tôn vinh và nhận được sự quan tâm, khuyến khích của lãnh đạo Bộ Y tế cũng như sự ủng hộ của toàn xã hội như: BS Phạm Đức Giàu (BVĐK Vũ Thư- Thái Bình), BS Nguyễn Quang Ánh (trại giam Thủ Đức- TP.HCM)…

Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 8
Nhà báo Chu Thúy Ngà - Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam

Có những hy sinh không gì đánh đổi!

Điều chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất ở hầu hết các cơ sở y tế là sự tận tụy, cống hiến hết mình của đội ngũ y bác sĩ với nghề. Có rất nhiều y bác sĩ giỏi hầu như không có thời gian cho bản thân và gia đình. Cuộc sống của họ gắn với sinh mạng của người bệnh. Khi rời phòng bệnh, những giáo án, giáo trình để cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới lại chờ đợi họ. Chúng tôi đã hỏi nhiều bác sĩ rằng, các anh/chị có thấy cuộc sống của mình thiệt thòi không? - Và quả thực, không ai có một lời than phiền, vì khi xác định khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, họ biết trước sẽ phải hy sinh, thậm chí là phải đánh đổi nhiều điều trong cuộc sống để làm trọn trách nhiệm với nghề.

Cuộc sống hiện nay không ai không phải lo cơm áo, nhưng rõ ràng vẫn đang có hàng ngàn những thầy thuốc giỏi, tận tâm đang ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh mà không đưa vật chất làm thứ mưu cầu. Và thông qua cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” do Báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức, bạn đọc có thể gặp được những tấm gương sáng về tài năng, về y đức trên khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi cho rằng, dù sự hy sinh đó là thầm lặng, nhưng nó đã và đang từng ngày, từng giờ mang lại sự sống cho hàng vạn bệnh nhân hiểm nghèo.


Báo Sức khỏe&Đời sống phát động cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III 9
Nhà báo Nguyễn Ngọc Dung – Báo Người lao động:
 
Bên cạnh sự tôn vinh, người thầy thuốc cũng cần được chia sẻ và bảo vệ

“Sự hy sinh thầm lặng” là cuộc thi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi trong công cuộc chiến đấu và đẩy lùi bệnh tật bảo vệ sức khoẻ người dân có những cống hiến thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế chưa một lần được nhắc tới nhưng nó đang diễn ra từng giờ, từng phút ở khắp mọi miền đất nước. Không cần phải phô trương, đánh bóng, bản thân những câu chuyện về những người khoác trên mình bộ áo blouse trắng đã mang đến cho chúng ta những tình cảm yêu thương, trân trọng và sự cảm phục.

Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” do Báo Sức khỏe&Đời sống phát động đã giúp bạn đọc, người dân và người bệnh hiểu hơn về công việc của những chiến sĩ áo trắng, từ nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm bệnh dịch đến áp lực trong khám chữa bệnh..., từ đó có sự thông cảm với những vất vả của người thầy thuốc. Không phải tất cả người thầy thuốc đều làm tốt vai trò của mình, khiến người bệnh chưa thật sự hài lòng nhưng điều mà cá nhân tôi cảm nhận được sau 2 cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” đó là rất nhiều thầy thuốc, lương y dù điều kiện, hoàn cảnh sống còn hết sức khó khăn, nhưng họ vẫn âm thầm phục vụ mà không tính toán thiệt hơn bởi họ luôn tâm niệm chữa bệnh cứu người là nghĩa vụ thiêng liêng.

Ngoài sự tận tụy, hy sinh, áp lực công việc thì cuộc sống hằng ngày của người thầy thuốc cũng còn đầy rẫy lo lắng, thậm chí bị hành hung và tính mạng thường xuyên bị đe dọa. Do đó, bên cạnh sự tôn vinh thì những người thầy thuốc rất cần sự sẻ chia và bảo vệ của toàn xã hội.

BĐT


Ý kiến của bạn