Hà Nội

Báo Sức khỏe&Đời sống: Hành trình xuyên thế kỷ

14-10-2011 07:10 | Thời sự
google news

Số báo Sức khỏe đầu tiên xuất bản ngày 10/10/1961 đã đặt viên gạch quý trên chặng đường xây dựng và phát triển của tờ báo. Người góp phần quan trọng xây dựng tờ báo trong những ngày đầu chính là BS. Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ.

Năm 1961 đi vào lịch sử và thơ ca Việt Nam như một mốc son đầy tự hào: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”(Tố Hữu). Cũng trong năm đó, tờ báo đầu tiên của ngành y tế đã ra đời - báo Sức khỏe, tiền thân của báo Sức khỏe&Đời sống ngày nay. Số báo Sức khỏe đầu tiên xuất bản ngày 10/10/1961 đã đặt viên gạch quý trên chặng đường xây dựng và phát triển của tờ báo. Người góp phần quan trọng xây dựng tờ báo trong những ngày đầu chính là BS. Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ. Ông là Chủ nhiệm báo và là người đã đặt tên cho tờ báo đầu tiên của ngành y tế là “Sức khỏe” với mong muốn tờ báo không chỉ phục vụ ngành y tế mà vì sức khỏe của toàn dân, phục vụ đông đảo bạn đọc miền Bắc lúc đó.

Trong quá trình hình thành và phát triển, báo Sức khỏe&Đời sống đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trao tặng vì những đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1996); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2011) và nhiều bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ; bằng khen, cờ thi đua của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố...

Những ngày đầu thành lập

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, BS. Đinh Văn Chí, Tổng biên tập đầu tiên của báo không khỏi bồi hồi, xúc động. Giai đoạn đầu mới thành lập (từ năm 1961 - 1974), tờ báo Sức khỏe chỉ vẻn vẹn có 6 người, hình thức tờ báo cũng giản dị với 8 trang in khổ A3, giá bán 1 hào/tờ, phát hành vài nghìn bản, chủ yếu ở 24 tỉnh, thành phố phía Bắc. Giai đoạn này, báo Sức khỏe đề cập đến các nội dung như hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở nắm vững những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành và trọng tâm công tác trong từng thời gian. Báo cũng hướng tới công tác phòng dịch bệnh theo mùa, vệ sinh môi trường… Riêng trong những năm chiến tranh từ 1966 - 1972, báo đã chuyển sang phục vụ chiến đấu thông qua các bài viết tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở làm tốt công tác cấp cứu phòng không, sơ cấp cứu và điều trị các vết thương do chiến tranh và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong lúc sơ tán… Thậm chí trong giai đoạn này, có những lúc do điều kiện chiến tranh ác liệt, 2 tháng báo mới xuất bản 1 số.

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất và bước vào thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng thay đổi nội dung mới, để đáp ứng yêu cầu này, ban biên tập báo Sức khỏe chuyển hướng làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe và phổ biến kiến thức y học thường thức trong nhân dân. Từ yêu cầu trên, nội dung, cơ cấu tờ báo từng bước được chuyển đổi, các trang mục được tổ chức theo hướng dẫn phục vụ cho 10 nội dung của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Do đó, ngoài việc tiếp tục đăng tải những thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến công tác y tế của Đảng, Nhà nước và của ngành y tế cho cán bộ y tế cơ sở, báo đã mở các chuyên trang, chuyên mục như: Giải đáp y học, Bạn có biết, Giới thiệu cây thuốc, Hướng dẫn sử dụng thuốc… Cũng trong giai đoạn này, báo đã thường xuyên làm các số chuyên đề như vệ sinh phòng chống dịch, bệnh mùa hè, đau mắt hột, miền núi và sức khỏe, thuốc nam và tra cứu, mùa rét và bảo vệ sức khỏe… Theo đó, các tin, bài về chuyên môn y, dược đã được tăng dung lượng gấp 3 lần so với giai đoạn trước, giảm dung lượng các tin, bài về phong trào. Nội dung các bài viết đều ngắn gọn, các thuật ngữ y học đã được thể hiện dưới ngôn ngữ phổ thông, các tên thuốc đã được phiên âm... để bạn đọc dễ tiếp nhận thông tin. Riêng chuyên mục Giải đáp y học trước đây chỉ là mục nhỏ, mỗi số chỉ giải đáp 1-2 vấn đề y học, nhưng do nhu cầu thực tế của bạn đọc, chuyên mục này đã tăng thông tin tràn trang báo A3, đề cập đến nhiều vấn đề về sức khỏe mà bạn đọc quan tâm.

 Khám chữa bệnh cho đối tượng chính sách tại xã Đồng Lộc, Hà Tĩnh năm 2007 do báo tổ chức.

Từ Sức khỏe đến Sức khỏe&Đời sống

Nếu như ngày 10/10/1961 là ngày sinh nhật của tờ báo Sức khỏe thì ngày 9/10/1995 được coi là mốc đánh dấu sự thay đổi quan trọng của báo khi Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân quyết định tách báo Sức khỏe khỏi Nhà xuất bản Y học thành một cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Y tế và đổi tên báo thành báo Sức khỏe&Đời sống. Từ đây, báo Sức khỏe&Đời sống trở thành cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, diễn đàn Vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với sự “nâng tầm” này, báo Sức khỏe&Đời sống tăng số lượng lên 16 trang, tăng gấp đôi so với thời kỳ báo Sức khỏe. Nhà báo Lê Thấu - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập.

 Chương trình từ thiện “Nồi cháo tình thương” được tổ chức liên tục tại BV K và BV Nhi TW.

Cũng trong năm đầu tiên hoạt động độc lập này, báo Sức khỏe&Đời sống đã thành lập cơ quan đại diện các tỉnh phía Nam của báo tại TP. Hồ Chí Minh do nhà thơ, BS. Trần Sĩ Tuấn làm Trưởng đại diện (đánh dấu sự hiện diện của báo Sức khỏe&Đời sống ở hai đầu đất nước). Ấn phẩm Sức khỏe&Đời sống nguyệt san ra đời được đánh giá là một ấn phẩm hiện đại, thu hút bạn đọc.

Trong giai đoạn này, báo Sức khỏe&Đời sống cũng đã từng bước phát triển một cách vững chắc: từ 1 kỳ/ tuần lên 2 kỳ/tuần rồi 3 kỳ/tuần. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu của từng bộ phận độc giả, báo đã ra thêm các ấn phẩm mới như: Sức khỏe&Đời sống  chuyên đề Cuối tháng, Sức khỏe&Đời sống Y tế thôn bản, Sức khỏe&Đời sống chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi.

Với mục đích trang bị thêm những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, báo Sức khỏe&Đời sống đã tổ chức các cuộc thi kiến thức trên Báo như cuộc thi: Sức khỏe cho mọi người; Sức khỏe cho người cao tuổi; Sức khỏe trẻ em; Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý… Các cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo bạn đọc trong cả nước, được đánh giá cao vì đã mang lại hiệu quả tuyên truyền lớn, có ý nghĩa thiết thực và gần gũi với cuộc sống.

 Giao lưu với các nhân vật trong tác phẩm đoạt giải cuộc thi
“Sự hy sinh thầm lặng” do báo tổ chức.

Vươn lên tầm cao mới

Trong quá trình phát triển báo Sức khỏe&Đời sống thì từ tháng 5/2005 đến nay có thể thấy rõ là giai đoạn phát triển mạnh nhất của báo. Những ngày đầu khi mới ra nhận nhiệm vụ Tổng biên tập báo, nhà thơ, BS. Trần Sĩ Tuấn trăn trở rất nhiều điều như làm thế nào để tăng chất lượng và nội dung tờ báo, để đón đầu với những khó khăn của nền kinh tế mà báo vẫn trụ vững, làm thế nào để đời sống cán bộ công nhân viên tăng lên, có vị thế ngày càng lớn trong xã hội và bạn đọc, có sự chia sẻ với các hoàn cảnh không may mắn thông qua các hoạt động xã hội…? Những mục tiêu và câu hỏi đó đã được lãnh đạo cùng tập thể báo nỗ lực vượt nhiều khó khăn để xây dựng, đưa báo Sức khỏe&Đời sống bước vào giai đoạn phát triển mới. Từ đây, chỉ trong hơn 5 năm, một quãng thời gian không dài nhưng báo Sức khỏe&Đời sống đã phát triển một bước dài. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các hoạt động chuyên môn, các nhiệm vụ chính trị của tờ báo, báo Sức khỏe&Đời sống đã có nhiều cải tiến, đổi mới cả về chất và lượng, tăng thêm ấn phẩm mới (Sức khỏe&Đời sống Chủ nhật), ra mắt trang web www.suckhoedoisong.vn, đồng thời triển khai nhiều hoạt động truyền thông, hoạt động xã hội vì cộng đồng… để lại những dấu ấn về Sức khỏe&Đời sống đối với xã hội và bạn đọc.

Là cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế - diễn đàn vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe toàn dân, trong giai đoạn này, báo Sức khỏe&Đời sống đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền một cách kịp thời, chính xác, hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Báo đã luôn bám sát hoạt động của ngành để thông tin tích cực và trung thực về mọi mặt hoạt động ở mọi tuyến y tế cơ sở. Liên tục cập nhật thông tin về hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, những nỗ lực của ngành y tế trong việc chung tay chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng như những tồn tại cần khắc phục.

 Đoàn viên thanh niên báo SK&ĐS vận chuyển hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ Nghệ An năm 2010.         

Với chức năng là diễn đàn vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe toàn dân, các trang báo đã trở thành diễn đàn cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các cán bộ làm công tác chuyên môn trong ngành y tế và quần chúng nhân dân trao đổi thông tin, đề xuất ý kiến về các vấn đề liên quan trong lĩnh vực y tế như: chính sách chế độ về y tế, vấn đề khám chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc sức khỏe cho những đối tượng chính sách ưu đãi,  hành nghề y dược tư nhân, xã hội hoá công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, bảo hiểm y tế, y tế chuyên sâu…

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe thể chất, báo Sức khỏe&Đời sống còn hết sức chú trọng đến sức khỏe tinh thần của con người bằng cách hướng người đọc đến mọi mặt của đời sống như các lĩnh vực xã hội, chính trị, giáo dục, văn học nghệ thuật. Trong những năm qua, bằng việc mở các diễn đàn bàn về các vấn đề của đời sống xã hội hôm nay, các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…, báo đã mời gọi và thu hút được nhiều nhà văn hóa, nhà khoa học, nhiều nhà văn và những cây bút tên tuổi. Đặc biệt với việc tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc ngành y tế mang tên “Giai điệu yêu thương”, lần đầu tiên báo đã được nhiều nhạc sĩ chuyên và không chuyên tham gia và đã có nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị. Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” đã thu hút được sự quan tâm của cả xã hội, trong đó có sự tham gia của hàng trăm cây bút là những nhà văn, nhà báo trên cả nước. Từ việc tổ chức thành công hai cuộc thi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã có hàng trăm tác phẩm tham gia góp phần ghi nhận và tôn vinh ngành y, những tấm gương, sự hy sinh thầm lặng mà cao quý của đội ngũ cán bộ y tế - những người đã và đang ngày đêm chiến đấu để giành lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh.

Cùng với sự mở rộng và nâng cao chất lượng tờ báo thì đời sống cán bộ công nhân viên của báo cũng không ngừng được nâng lên. Do đã dự báo đón đầu những khó khăn của nền kinh tế nên lãnh đạo báo đã chỉ đạo quyết liệt để xây dựng chất lượng và nội dung tờ báo. Chính vì thế, mặc dù trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, người dân cũng như các doanh nghiệp triệt để tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu, nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn nhưng báo Sức khỏe&Đời sống vẫn duy trì được số lượng phát hành các ấn phẩm và doanh thu của báo vẫn tăng năm sau cao hơn năm trước, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước. Thu nhập của cán bộ công nhân viên báo cũng tăng gấp đôi so với năm 2006. Với thu nhập thường xuyên và chế độ thưởng trong các dịp lễ Tết được tăng hàng năm, các quyền lợi được đảm bảo đã giúp các cán bộ, phóng viên của báo yên tâm công tác, ngày càng nỗ lực hơn để hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao.

Song song cùng công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng tờ báo, trong giai đoạn này, nhà thơ, BS. Trần Sĩ Tuấn đã “thổi lửa” cho cán bộ, công viên báo Sức khỏe&Đời sống, đặc biệt là các bạn đoàn viên về các hoạt động xã hội, chung tay chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Cho đến nay, đã có gần 30 nghìn người nghèo, gia đình chính sách, học sinh sinh viên… vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được các chương trình từ thiện của báo khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí. Với nguồn kinh phí được trích từ Quỹ phúc lợi của báo để thực hiện Chương trình từ thiện “Nồi cháo tình thương” được tổ chức liên tục tại Bệnh viện K Trung ương, (cơ sở I và II), Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 1/2006 đến nay đã có hơn 100.000 suất cháo tình thương được các đoàn viên thanh niên chi đoàn báo Sức khỏe&Đời sống phát trực tiếp cho các bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo nhằm chia sẻ phần nào khó khăn cho các gia đình có người thân đang điều trị tại bệnh viện. Và còn nhiều hoạt động khác như xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ cho nhiều trạm y tế xã, phường để đạt chuẩn quốc gia; Cấp học bổng cho khoảng 1.000 sinh viên nghèo vượt khó của các trường đại học; Tặng hàng nghìn suất quà cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; Phụng dưỡng thương binh nặng ở tỉnh Quảng Nam và ở TP. Hồ Chí Minh; Trao gần trăm triệu đồng học bổng cho các trẻ em nghèo hiếu học… Hiện nhiều hoạt động xã hội khác của báo đã và đang tiếp tục thực hiện nhằm chia sẻ với cộng đồng. Cùng với đó, báo đã tổ chức thành công 2 chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1 là: Chương trình “Vòng tay nhân ái” và cầu truyền hình “Vì trái tim trẻ thơ” quyên góp được số tiền hơn 5,2 tỷ đồng để ủng hộ cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn kinh phí phẫu thuật, điều trị và hỗ trợ cho sinh viên nghèo của các trường trong ngành y. Ngoài ra, báo đã tổ chức đặt hơn 300 kệ báo miễn phí ở 20 bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng truyền thông của báo. Tổ chức thành công “Giải bóng đá mini ngành Y - Dược”. Đây là sân chơi thể thao làm cầu nối cho cán bộ ở các đơn vị trong ngành có cơ hội được giao lưu và rèn luyện sức khỏe.

 Lễ khai mạc Giải bóng đá mini ngành Y-Dược lần thứ II báo SK&ĐS - Cup Nizoral 2011 tại Nhà thi đấu Rạch Miễu, TP. Hồ Chí Minh ngày 19/3/2011.

Từ những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của báo, trong quá trình hoạt động, báo Sức khỏe&Đời sống đã đạt được nhiều thành tích như: Từ năm 2008 đến nay, cơ quan đã có 01 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, 02 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 01 cá nhân là Điển hình tiên tiến của ngành y tế, 09 lượt cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Y tế, 03 cá nhân là Chiến sĩ thi đua cấp Bộ và hàng chục Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Báo đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm (2007). Và năm 2011, báo Sức khỏe&Đời sống vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc Lập hạng Ba, đây là sự ghi nhận, động viên, khích lệ vô cùng to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình phát triển của báo.

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, báo Sức khỏe&Đời sống đã nỗ lực không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để phát triển, luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành y tế, được lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo ngành đánh giá cao, được độc giả tin yêu và đã trở thành người bạn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều gia đình trong và ngoài nước. Trước sự tin tưởng và tin yêu trên, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên báo Sức khỏe&Đời sống nguyện tiếp tục ra sức phấn đấu để đưa báo ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, diễn đàn vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe toàn dân.
 

* Sự tăng trưởng số lượng ấn phẩm của báo qua các giai đoạn:

Tại thời điểm mới thành lập, báo chỉ xuất bản 01 ấn phẩm 8 trang với số kỳ là 1 tháng/kỳ.

Đến nay, báo đã xuất bản được 5 ấn phẩm với trung bình 25 số báo/tháng.

- SK&ĐS ra các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, 16 trang khổ 29 x 42cm.

- Số cuối tuần: 36 trang, khổ 20 x 28 cm, ra 1 số/tuần vào ngày thứ 6 hàng tuần.

- Số cuối tháng: 36 trang, khổ 19 x 27 cm, ra 1 số/tháng vào ngày 25 hàng tháng.

- Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi: 36 trang, khổ 20 x 28cm ra 2 kỳ/tháng.

- SK&ĐS Y tế thôn bản: 8 trang, khổ 29 x 42 ra 1 kỳ/tháng.

Bên cạnh đó, trang web: www.suckhoedoisong.com ra đời đã mở rộng hơn nữa diện “phủ sóng” của SK&ĐS.

* Số lượng bản phát hành các ấn phẩm của báo trong mỗi kỳ đều tăng cao:

Thời kỳ đầu mới thành lập báo Sức khỏe có số lượng xuất bản là 3 nghìn bản/kỳ.

Đến nay, báo đã xuất bản liên tục 5 ấn phẩm với số lượng phát hành năm sau tăng cao hơn năm trước. Hiện nay, số lượng phát hành đã đạt được:

- Số báo thứ ba, thứ năm, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần: gần 44 nghìn bản/kỳ, có những kỳ phát hành lên tới 46 nghìn bản.

- Số cuối tuần: khoảng 24 nghìn bản/kỳ, có những kỳ phát hành lên tới 27 nghìn bản.

- Số cuối tháng: khoảng hơn 12 nghìn bản/kỳ.

- Số Y tế thôn bản: gần 37 nghìn bản/kỳ.

- Số chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi: hơn 37 nghìn bản/kỳ.

- Báo điện tử với địa chỉ: www.suckhoedoisong.vn đến nay đã có khoảng 2 triệu lượt người truy cập. Qua trang web này, báo Sức khỏe&Đời sống đã đến được với không chỉ độc giả trong nước mà cả các độc giả ở nước ngoài, mở rộng hơn phạm vi, đối tượng phục vụ của báo.

TS-CT


Ý kiến của bạn