Khủng hoảng truyền thông có thể đến bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào
Ngày 16/6/2023, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế và triển khai Quy chế phát ngôn của Bộ Y tế.
Tại hội nghị, nhà báo Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác truyền thông y tế; kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan báo chí với các đơn vị trong ngành y tế.
Theo ông Trần Tuấn Linh, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển hiện nay, khủng hoảng truyền thông không chừa một ai. Bất kỳ cá nhân hay tập thể nào cũng đứng trước nguy cơ của khủng hoảng truyền thông. Ví dụ như ai đó uống rượu say rồi ra đường, bị tai nạn giao thông rồi bị người đi đường chụp ảnh đưa lên các group, diễn đàn... Những cơ quan, đơn vị của ngành y tế cũng không ngoại lệ. Đây là những cơ quan, đơn vị dễ gặp khủng hoảng, áp lực dư luận càng lớn hơn ví dụ về khám chữa bệnh, vấn đề tương tác với bệnh nhân...
Khủng hoảng có thể xảy ra kể cả khi chủ thể đang làm được nhiều việc tốt hơn là những việc chưa được, thậm chí cả khi hầu hết là việc tốt, thậm chí 100% việc tốt.
Tổng Biên tập Trần Tuấn Linh cho hay, vấn đề cần lưu ý trong công tác truyền thông y tế hiện nay đó là xử lý tốt khủng hoảng truyền thông và quản lý tốt nguồn thông tin cung cấp cho các cơ quan báo chí. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan báo chí với các đơn vị trong ngành y tế.
Thực tế cho thấy, dự phòng những rủi ro về khủng hoảng truyền thông là vấn đề mà các đơn vị y tế kể cả Bộ Y tế cũng như các đơn vị y tế ở tuyến dưới phải hết sức chú ý. Và nếu như ngày trước nghĩ đến khủng hoảng truyền thông chủ yếu chỉ là trên mặt báo thì hiện nay, khủng hoảng trên mặt báo chỉ là "phần nổi", việc xử lý các thông tin trên các nền tảng xã hội cũng rất quan trọng.
Từ kinh nghiệm trong công tác truyền thông y tế, ông Trần Tuấn Linh chia sẻ kinh nghiệm về dự phòng và ứng phó với khủng hoảng truyền thông. Thứ nhất là xây dựng một bộ phận nhân sự thường trực đối với cả công tác truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông. Thứ hai là xây dựng các kịch bản ứng phó khủng hoảng theo từng cấp độ. Thứ ba là chuẩn bị các hành lang pháp lý để xử lý khủng hoảng. Thứ tư là truyền thông pha loãng khủng hoảng. Thứ năm là quản trị nội bộ chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch.
Xây dựng cơ chế phối hợp cơ quan báo chí với các đơn vị ngành y tế hiệu quả
Chia sẻ tại hội nghị, nhà báo Trần Tuấn Linh nêu rõ, khi đã xây dựng được nền tảng cho công tác truyền thông, các đơn vị trong ngành y tế cần đặc biệt lưu ý về cơ chế phối hợp với các cơ quan báo chí. Trong đó yếu tố chủ động và sẵn sàng là ưu tiên hàng đầu.
Đối với các đơn vị trực thuộc ngành y tế, việc làm tương tự với thông tin y tế thường quy như cấp cứu ca bệnh, thành tựu y khoa, sự cố y tế, xung đột với người dân tại nơi khám chữa bệnh… rất cần được chính các đơn vị chủ động đưa tới báo chí. Các đơn vị cần được cho quyền phát ngôn trong phạm vi lĩnh vực của mình.
Ông Trần Tuấn Linh cho biết, Báo Sức khỏe và Đời sống là cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế đã có sự đổi mới, phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đặc biệt là các nền tảng xã hội có sự phát triển mạnh mẽ vượt bậc như: Kênh Youtube đạt 2,08 triệu sub sau 1,5 năm xây dựng (trung bình mỗi ngày sản xuất 60 video clip, 1 tháng có khoảng 100 triệu lượt xem); Tiktok có 1,4 triệu followers; fanpage thu hút hơn 156.000 người theo dõi, cùng với hệ thống báo in và điện tử. Tổng lượt tiếp cận độc giả khoảng 7 triệu lượt/ngày.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Linh, thực tế hiện nay cho thấy, các đơn vị trực thuộc ngành y tế chưa có mối quan hệ tương tác nhiều với cơ quan báo chí của Bộ Y tế.
Ông Trần Tuấn Linh khẳng định, Báo Sức khỏe và Đời sống luôn sẵn sàng và đủ năng lực giải quyết những vấn đề về truyền thông, là cầu nối thông tin uy tín hỗ trợ các đơn vị, địa phương, các cơ sở y tế với độc giả, là cơ quan báo chí để địa phương, đơn vị đưa ra những phát ngôn chính thức, duy nhất nhằm hạn chế tối đa nguy cơ khủng hoảng kéo dài; Vận hành một hệ thống giám sát thông tin tiêu cực, truy xuất mọi thông tin về y tế trên toàn bộ nền tảng báo chí, mạng xã hội.
Hội nghị hướng dẫn công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế và triển khai Quy chế phát ngôn của Bộ Y tế cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai và xử lý các thông tin liên quan đến lĩnh vực y tế; kỹ năng tổng hợp, xây dựng thông tin của đơn vị để cung cấp cho các cơ quan báo chí.