* Ý niệm ấy khiến tôi sớm có thiện cảm với Báo Sức khỏe & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế.
Trước hết, đó là một tờ báo luôn luôn tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích. Báo có rất nhiều cái để đọc, để nhớ, để học, để làm theo, để suy ngẫm, để phòng chống lại bệnh tật, để thấy diễn tiến của các sự kiện, các vấn đề về Y học của đất nước và nhân loại...
Sức khỏe & Đời sống (tờ báo chủ công) với 4 kỳ/1 tuần, mỗi số 16 trang, quân bình có tới 24 - 25 chuyên mục lớn nhỏ trong mỗi kỳ. Tôi yêu mến tính thiết thực của từng chuyên mục: Tin tức, Thời sự tổng hợp; Y học thường thức; Y học cổ truyền; Thông tin y dược; Thuốc và sức khỏe; Nhân vật và sự kiện; "Những chuyện thầm kín" nhưng lại được chuyển tải bằng ngôn từ văn hóa, tinh tế... Thu hút mạnh mẽ người viết nội và ngoại ngành cũng bởi những chuyên mục, chuyên trang có tầm mở nhân văn, khơi gợi tư duy các vấn đề xã hội, nhân thế...
Đây cũng là nơi Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống sớm phát triển theo hướng 4.0 đa phương tiện với kênh youtube, kênh fanpage của báo, đều đặn mỗi tuần sản xuất một chương trình truyền hình phát trực tiếp trên nền tảng Digital với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Y tế trong nước và thế giới, mỗi ngày sản xuất nhiều tin bài cập nhật nhanh những vấn đề thời sự y tế nóng hổi với lượng truy cập tới cả triệu lượt mỗi ngày và lượng đọc mỗi tin bài cũng tới ngàn lượt...
* Sức khỏe & Đời sống lưu dấu ấn trong tôi còn bởi sự đĩnh đạc, chững chạc văn hóa, khoa học, cẩn trọng trong thông tin.
Tòa soạn có đội quân tới cả trăm nhân sự, đam mê, say nghề. Cái mới nảy sinh liên quan tới y học, tới sự sống của con người dù khó khăn muôn đường tác nghiệp thì vẫn là ưu tiên hàng đầu để kịp thông tin trên mặt báo. Điều ấy không chỉ biểu lộ trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, mà rất quyết liệt, vượt mọi hiểm nguy để tác nghiệp, sát cánh cùng các Y, Bác sĩ, hộ lý...để có tư liệu xác thực, đúng, trúng, nhanh trong trận chiến chống đại dịch COVID-19 suốt mấy năm nay... Sức sống của tờ báo, uy tín của tờ báo, chính là uy danh của Ban biên tập, trước hết là Tổng biên tập.
60 mươi năm, kể từ ngày báo "Sức khỏe" ra đời, những thập niên đầu tiên của tờ báo, tôi không rõ ai là Tổng biên tập; chỉ biết mấy mươi năm lại đây những cái tên: Lê Thấu, Trần Sĩ Tuấn, gần đây là Trần Tuấn Linh nối tiếp nhau trong vai Tổng biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống thì tất cả đều rất sáng danh. Họ đích thực là Nhà báo, nhà văn từng trải với nghề, giàu kinh nghiệm quản lý; được Bộ chủ quản tin cẩn, cán bộ yêu mến, người viết gắn kết mật thiết... Ở họ đều có một nét chung, như tôi thấy: Phong thái lịch thiệp, tinh tế, giản dị, dễ gần. Họ là những người một lòng một dạ vì nước vì dân, giàu năng lực quản lý, chỉ đạo, nắm bắt thực tiễn; chính kiến, luôn là mình trong trách nhiệm xử lý thông tin và loan tin.
Biết đề xướng, biết thực hiện những sáng kiến của tập thể tòa soạn, tạo nên những Chương trình tràn đầy ý nghĩa nhân văn, lan tỏa như: "Quỹ vòng tay nhân ái", "Nồi cháo tình thương"... Họ luôn nhiệt thành với công việc, nên cũng rất chân tình, gần gụi với bạn bè, đồng nghiệp. Tôn trọng phong cách viết của nhà báo, nhà văn, của đồng nghiệp và cộng tác viên. Luôn thấu hiểu, thấu cảm trách nhiệm cao cả của ngành Y để chất nhân sinh đậm đà trong từng con chữ, trong từng chuyên mục của tờ báo... Bởi thế, mỗi thời kỳ Lê Thấu, hay Trần Sĩ Tuấn và Trần Tuấn Linh kế nhiệm Tổng biên tập thì tên họ luôn đồng nghĩa với tên tờ báo: Nhắc tên báo là nhớ tên Tổng biên tập, và ngược lại. Bởi thế tôi luôn nghĩ: Tổng biên tập là gương mặt của tờ báo!
*Nhân lên cái mới, cái hay, cái đẹp, cái điển hình tiên tiến được ví như ngôn ngữ của báo chí. Làm báo ở ngành Y, mỗi nhà báo cũng tự coi mình là thầy thuốc, nhân văn, cứu nhân độ thế. Bởi thế, tôi yêu những Chương trình văn hóa nghệ thuật, Chương trình ca nhạc do báo Sức khỏe & Đời sống bấy lâu nay thường tổ chức trên sóng hình và sóng phát thanh. Tôi năng nổ nhập cuộc tham gia cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" ngay từ lần phát động đầu tiên, cho tới những kỳ gần đây.
Cuộc thi lôi cuốn khiến tôi quên cả mình già. Tôi đi, đến, thấy và viết về thầy lang xứ núi, về Trạm trưởng Y tế xã Quân Khê làm theo lời Bác Hồ. Viết về bà Nguyễn Thị Mây- Trạm trưởng Y tế xã Chà Nưa, huyện Mường Chà như "Mẹ hiền của dân bản"; Viết về những tấm gương chiến sĩ Quân y tiêu biểu Trần Đăng Dân, Nguyễn Chí Ninh dọc dải biên cương Tây Bắc; về bác sĩ Bùi Minh Kha ở thành phố Vũng Tàu nhân dân mệnh danh là (Bác sĩ "ết"), viết về Thị Sóc Kha nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc "Hạnh phúc với nghề không theo giờ"...
"Sự hy sinh thầm lặng" khơi dậy biết bao những tấm gương sáng, những tấm lòng cao quý thầm lặng của cán bộ ngành Y suốt dọc dài đất nước, suốt các nơi hang cùng lối thẳm, tất cả chỉ vì sức khỏe của nhân dân thân yêu của mình... Họ là niềm ngưỡng mộ trong tôi, là tấm gương trong để tôi noi theo về ý chí, về tâm đức với công việc; hun đúc năng lượng để tôi sống với đam mê nghề báo "Nghề khắt khe - Nghiệt ngã"! Cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng" đã cho tôi nhận về từ Giải ba tới Giải Khuyến khích. Mức thưởng nhỏ hơn bất kỳ cuộc thi nào của báo chí nước nhà, nhưng tiếng tăm tỏa rạng, vang xa, lan xa lưu giữ lâu bền hơn bất kỳ ở đâu. Tôi hãnh diện vì được thụ hưởng "Miếng ngon giữa làng"!...
Lời mọn, nhân Kỷ niệm 60 năm ngày Báo Sức khỏe & Đời sống ra số đầu tiên, xin nói lời sẻ chia: Suốt dặm dài thời gian, báo chí của Bộ Y tế thực sự như những thầy thuốc tin yêu nhất của các gia đình Việt Nam!
Xem thêm video đang được quan tâm:
Theo chân bác sĩ cấp cứu ca F0 nguy kịch tại nhà, cấp tốc chuyển về bệnh viện dã chiến. Đây là tư liệu đặc biệt do Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống thực hiện tại đợt dịch COVID-19 ở TP. HCM.