Hà Nội

Loạt bài 'Tiêu cực cấp thẻ luồng xanh' của Báo Sức khỏe & Đời sống đạt giải B Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

13-11-2021 21:46 | Xã hội
google news

SKĐS - Tối 13/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3 năm 2020 - 2021. Báo Sức khỏe & Đời sống vinh dự được trao giải B cho loạt 5 bài 'Tiêu cực cấp thẻ nhận diện luồng xanh' của tác giả Cao Tuân.

Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3 năm 2020 - 2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là một trong những sự kiện đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021).

Sự kiện nhằm tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần nâng cao tính cách mạng, tính chiến đấu và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ người làm báo Việt Nam, góp phần thiết thực thể hiện và hưởng ứng quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Tham dự buổi lễ có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam; các ban, bộ, ngành trung ương, các cơ quan báo chí, các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được trao giải.

Loạt 5 bài 'Tiêu cực cấp thẻ nhận diện luồng xanh' của Báo Sức khỏe & Đời sống đạt giải B phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tham dự Lễ trao Giải.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không ngừng, không nghỉ” đã đạt kết quả rất quan trọng; tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí và các nhà báo Cách mạng như những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sau 3 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi “cám dỗ”, “cạm bẫy”, vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để “dấn thân” bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Loạt 5 bài 'Tiêu cực cấp thẻ nhận diện luồng xanh' của Báo Sức khỏe & Đời sống đạt giải B phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 2.

Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh COVID-19, kết quả đạt được của các tác phẩm lần này rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà báo đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi tác phẩm dự thi nhất là những tác phẩm đoạt giải là kết tinh của tinh thần quả cảm, sự lao động miệt mài, sáng tạo, nghiêm túc, thấm đẫm mồ hôi, công sức của các nhà báo.

"Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm; hành vi, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp. Vì vậy đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao hơn; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong..."- Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Loạt bài 'Tiêu cực cấp thẻ luồng xanh' của Báo Sức khỏe & Đời sống đạt giải B Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 3.

Nhóm các tác giả đạt giải B.

Loạt 5 bài 'Tiêu cực cấp thẻ nhận diện luồng xanh' của Báo Sức khỏe & Đời sống đạt giải B phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 3.

Phóng viên Cao Tuân - Báo Sức khỏe & Đời sống nhận Giải B loạt 5 bài viết "Tiêu cực cấp thẻ nhận diện luồng xanh".

Ông Đỗ Văn Chiến cũng bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thu hút được đông đảo các nhà báo tham gia, trở thành một giải báo chí chuyên đề đặc biệt; sẽ có nhiều tác phẩm báo chí giá trị, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Tại chương trình, Ban Tổ chức Giải đã trao 1 giải Đặc biệt, 4 giải A, 10 giải B, 12 giải C và 18 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả của 45 tác phẩm báo chí xuất sắc.

Báo Sức khỏe & Đời sống là cơ quan báo chí đầu tiên phản ánh về những tiêu cực trong cấp thẻ nhận diện “luồng xanh”

Phóng viên Cao Tuân - Báo Sức khỏe & Đời sống, người nhận Giải B loạt 5 bài viết "Tiêu cực cấp thẻ nhận diện luồng xanh" chia sẻ: Việc cấp mã nhận diện QR Code “luồng xanh” đối với phương tiện xe ô tô vận tải hàng hóa là một giải pháp rất hiệu quả trong vấn đề tổ chức giao thông ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đây là cách giúp cho các cơ quan quản lý, giám sát việc chấp hành phòng chống dịch của doanh nghiệp và lái xe.

Đăng ký thẻ “luồng xanh” hoàn toàn miễn phí, nhưng thực tế đang bị biến tướng thành một “giấy phép con” để “cò” móc nối với cán bộ cấp duyệt trục lợi. Chính vì những bất cập và chi phí đội lên rất nhiều trong quá trình chờ đợi thủ tục nên nhiều người đã chấp nhận bỏ tiền tìm đến “cò” dịch vụ. Báo Sức khỏe & Đời sống là cơ quan báo chí đầu tiên phản ánh về những tiêu cực trong cấp thẻ nhận diện “luồng xanh” và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng.

Sau khi bài viết đầu tiên được đăng tải trên Báo Sức khỏe & Đời sống, trong ngày 17/8/2021, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị Phòng An ninhKinh tế - Công an TP Hà Nội vào cuộc xác minh, làm rõ. Trong ngày 18/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên tiếp ban hành 2 văn bản gửi các Sở GTVT, Hiệp hội ô tô Việt Nam, các Hiệp hội vận tải hàng hóa yêu cầu chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm dịch vụ “luồng xanh” cũng như công bố công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh.

Qua ghi nhận ý kiến chuyên gia, việc xuất hiện những “giấy phép con” trong đại dịch đã nảy sinh những tiêu cực, tham nhũng trong chính cán bộ quản lý. Do vậy, cần điều chỉnh theo góc độ nhà nước chứ không thể đẩy tất cả cái khó cho người dân. Ngay thời điểm này, cơ quan nhà nước trong lĩnh vực cấp “luồng xanh” cần nhận định đúng tình hình để đưa ra giải pháp phù hợp.

Loạt bài 'Tiêu cực cấp thẻ luồng xanh' của Báo Sức khỏe & Đời sống đạt giải B Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 5.

Tác giả Cao Tuân nhận giải B.

Song song với việc đăng tải loạt bài viết, Báo Sức khỏe & Đời sống cũng tích cực phối hợp với cơ quan công an để làm rõ hoạt động cũng như đường dây móc nối giữa “cò” với cán bộ cấp duyệt “luồng xanh”. Đến ngày 26/8, Cơ quanAn ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Thanh Nga (chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bị can Hoàng Thị Thanh Nga được xác định đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản, móc nối với một số đối tượng “cò” để duyệt cấp hơn 1.700 hồ sơ xe ôtô, nhận tổng số tiền trên 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản.

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 27/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gửi lời xin lỗi sâu sắc tới nhân dân và các doanh nghiệp vận tải về sự việc vừa qua.

Tối cùng ngày, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Giám đốc Sở GTVT các tỉnh, thành quán triệt, rút kinh nghiệm tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục có liên quan.

Với những thông tin nóng mang tính chất phát hiện của Báo Sức khỏe & Đời sống, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn những tiêu cực trong cấp thẻ nhận diện “luồng xanh”.

Bên cạnh với việc xử lý trách nhiệm cán bộ vi phạm, Bộ GTVT đã thay thế phần mềm cấp thẻ “luồng xanh” cũ của doanh nghiệp tư nhân bằng phần mềm cấp mã Code mới do Tập đoàn Viettel hỗ trợ. Đây là hệ thống hoàn toàn tự động, doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện tự kê khai hồ sơ, kê khai thông tin (chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin kê khai) và Hệ thống sẽ tiến hành cấp tự động.

Bộ GTVT cũng thống nhất chuyển giao phần mềm này cho Bộ Công an sử dụng. Như vậy, Bộ Công an sẽ tích hợp với dữ liệu quản lý dân cư để cấp thẻ và hậu kiểm vì Bộ Công an có lực lượng xử lý vi phạm của tài xế, chủ xe.

Bên cạnh đó, từ thông tin phản ánh của Báo Sức khỏe & Đời sống, một số bất cập khác trong hoạt động kiểm soát lưu thông hàng hóa đã được ngành GTVT khắc phục kịp thời. Doanh nghiệp vận tải và lái xe đã có thể dễ dàng đăng ký mã Code (trên hệ thống tự động), các hoạt động vận tải hàng hóa được thuận lợi, thông suốt.

Theo Ban tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.181 tác phẩm ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gửi tham dự Giải. Đây là số lượng tác phẩm báo chí gửi tham dự lớn nhất từ khi giải được tổ chức đến nay.

Ban Chỉ đạo Giải đã lựa chọn được 45 tác phẩm xuất sắc để trao các giải gồm: 4 giải A; 10 giải B; 12 giải C và 18 giải Khuyến khích. Trong đó lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt Giải Đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trao thưởng.

Theo đánh giá, các tác phẩm báo chí dự thi năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" lần thứ ba, năm 2020 - 2021. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được nhân dân quan tâm; đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...


Báo SK&ĐS
Ý kiến của bạn