Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão Sơn Ca ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 210km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.
Do ảnh hưởng của bão Sơn Ca, khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên và phía Bắc Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 01h đến 07h ngày 14/10 có nơi trên 150mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 252.6mm, Phường Thọ Quang (Đà Nẵng) 192.4mm, Tân Hiệp (Quảng Nam) 167.6mm, Bình Thuận (Quảng Ngãi) 163.4mm,…
Từ chiều tối ngày 14/10 đến chiều tối ngày 16/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rất to.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản nhận định cơn này đang ở mức áp thấp nhiệt đới, sức gió mạnh nhất 15m/s (cấp 7), gió giật 23m/s (cấp 9). Đài Nhật dự báo cơn này mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới. Khi đổ bộ vào đất liền Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Mưa lớn ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng còn kéo dài đến hết ngày 16/10. Tổng lượng mưa tích lũy cả đợt tính đến hết ngày 16/10 ở khu vực Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai 150-200mm, có nơi trên 250mm; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 400-500mm, có nơi trên 700mm; Quảng Ngãi 300-400mm, có nơi trên 500mm; Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao từ 4-6m; Khu vực ngoài khơi Trung Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) sóng biển cao từ 3-5m; vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Phú Yên sóng biển cao từ 2-4m.
Ven biển ven bờ các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cần đề phòng nước dâng do bão cao 0,2-0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ông Hoàng Văn Đại , Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, từ hôm nay (14/10) đến ngày 17/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-10m, hạ lưu từ 1,5-5m.
Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3 và trên BĐ3; các sông Quảng Bình, Khánh Hòa và Đắk Lắk lên mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2; nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng.
"Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu" - ông Đại cảnh báo.
Sơn Ca là bão thứ 5 trên Biển Đông. Tên Sơn Ca do Việt Nam đăng ký với Tổ chức Khí tượng Thế giới. Trước đó, đợt nhiễu động nhiệt đới ngày 11/10 phía Tây Tây Nam Manila, Philippines, được Hải quân Mỹ ghi nhận. Đến 13/10, cơ quan khí tượng của Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan nâng cấp lên thành áp thấp nhiệt đới.
Trước bão Sơn Ca, hồi cuối tháng 9 bão Noru đổ bộ, làm hư hại, ngã đổ hàng nghìn nhà cửa, cây cối ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; nhiều đợt mưa lớn gâyngập lụt một số tỉnh miền Trung.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chiều 14/10: HĐXX kiến nghị cơ quan điều trị tiếp tục làm rõ hành vi của mẹ bé gái bị găm đinh |SKĐS