Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, lúc 16h ngày 18/10 tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; đảo Cô Tô, Cửa Ông gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) giật cấp 8.
Hồi 16 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên đất liền đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh- Hải Phòng khoảng 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-11.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 170N và phía Tây Kinh tuyến 1120E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên: phía Bắc Vĩ tuyến 180N và phía Tây Kinh tuyến 1110E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở Nam Vịnh Bắc Bộ (vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị) có gió mạnh cấp 6-7; giật cấp 8-9; biển động mạnh. Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; sóng biển cao 3-5m, biển động dữ dội. Trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; riêng phía Bắc tỉnh Quảng Ninh có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão. Ảnh: nchmf
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 20/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.
Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ở Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh. Trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng phía Bắc tỉnh Quảng Ninh có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Quảng Tây.
Cảnh báo từ đêm nay (18/10) đến hết đêm 19/10 sẽ xuất hiện mưa vừa, mưa to trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn: 200-300mm/cả đợt.
60 người chết, mất tích và bị thương, 26 nhà bị sập trong mưa lũ ở miền Trung
Báo cáo nhanh về công tác ứng phó với bão số 7 và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 29 người chết (Nghệ An 2, Hà Tĩnh 4, Quảng Bình 21, Huế 2).
Số người mất tích: 1 người mất tích (ở Quảng Bình). Số người bị thương: 30 người bị thương (Quảng Bình 25, Quảng Trị 3, Huế 2).
Tổng số nhà bị sập: 26 nhà (Quảng Bình 19, Quảng Trị 1, Huế 6). Nhà bị tốc mái, hư hỏng: 1.015 nhà (Quảng Bình 56, Quảng Trị 625, Huế 334). Hiện còn 1.786 nhà còn ngập (Quảng Bình 1.186, Hà Tĩnh 600).
Ngập lụt ở miền Trung. Ảnh Internet.
Về nông nghiệp, lúa bị ngập: 1.081ha. Hoa màu bị ngập, hư hại: 3.627ha (Nghệ An 106ha, Hà Tĩnh 2.241ha, Quảng Bình 1.003ha, Quảng Trị 278ha).
Về giao thông, đường Quốc lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông: 1 điểm (Quảng Bình 1 điểm tại Quốc lộ 15 chưa thông tuyến).
Đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông: 5 điểm (Hà Tĩnh 2 điểm, Quảng Bình 3 điểm). Đường sắt bị ngập ở Quảng Bình đã thông tuyến từ Đồng Hới đi ra Bắc.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung.
Những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng đã làm ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Chính quyền một số địa phương và dư luận cho rằng có nhà máy thủy điện xả lũ không báo trước gây bị động cho công tác ứng phó, thiệt hại cho nhân dân.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua (trong đó có việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh); làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 10 năm 2016.