Bão số 4 vào Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

25-07-2017 19:39 | Thời sự

SKĐS - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to...

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 15 giờ chiều ngày 25/07, bão số 4 đã đổ bộ vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão số 4, trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió bão cấp 8, giật cấp 10; Cửa Việt (Quảng Trị) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, Đông Hà (Quảng Trị) gió giật cấp 9; vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có gió giật cấp 6; ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình gió giật cấp 7. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm.

Hồi 16 giờ ngày 25/07, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Trong chiều tối và tối nay (25/7), vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị còn có gió giật mạnh cấp 6-7; sóng biển cao từ 2-3m. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị cao từ 2-3m. Trên đất liền khu vực Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; ở vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 4, trong đêm nay và ngày mai (26/7) ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to (phổ biến 150-250mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50-100mm cả đợt).

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 101mm, Đông Hà (Quảng Trị) 68mm; tại Hòn Ngư (Nghệ An), Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật cấp 7.

Vị trí hiện tại: 10h ngày 25/07, tâm bão: 17,10N-108,30E; cách Hà Tĩnh-Quảng Trị 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, 15km/h, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

**** Trong 6 giờ vừa qua, bão số 4 tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây.

Hồi 04 giờ ngày 25/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Chiều tối nay (25/7), bão đi vào Hà Tĩnh-Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 26/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, biển động) từ vĩ tuyến 16,00N đến 19,50N; phía Tây kinh tuyến 111,00E. Vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5m; biển động mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng thấp trên khu vực Đông Bắc Thái Lan.

Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Từ trưa nay (25/7), vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh; vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao từ 2-3m.

Từ chiều nay, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9; khu vực các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và sâu trong đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế có gió giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3.

Từ ngày 25-27/07, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (phổ biến 150-250mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50-150mm cả đợt).

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Ngày 24/4, Bản chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với Bão số 4. Các chuyên gia lo ngại bão số 4 đổ bộ đúng khu vực bão số 2 vừa đi qua nhưng dự báo có cấp gió nhẹ hơn, nhiều địa phương sẽ chủ quan, nhất là việc neo đậu tàu thuyền. 

Các tỉnh Thanh Hoá - Quảng Bình là khu vực dốc, đất đá đã bão hoà, vừa qua xảy ra lũ quét, lũ ống cuốn trôi nhiều nhà cửa do vậy đề nghị 4 tỉnh này phải chỉ đạo quyết liệt tránh tâm lý chủ quan. Ngoài ra, sau bão số 2, hầu hết các hồ thuỷ lợi đã tích thêm khoảng 20-30% nước, do đó những hồ trên 80% nước cần chủ động xả. Tại khu vực Bắc Trung Bộ còn 83 hồ xung yếu không được tích nước hoặc hạn chế tích nước.

Do đó, các chuyên gia lưu ý rút kinh nghiệm một số vấn đề sau bão số 2, đặc biệt vấn đề neo đậu, tránh để xảy ra những vụ chìm tàu, va đập tàu không đáng có. Đặc biệt tình trạng người dân di chuyển qua ngầm tràn vẫn còn, gây thiệt hại rất lớn cho con người trong 2-3 năm nay nhưng vẫn chưa được khuyến cáo triệt để.

Bên cạnh đó cũng cần đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn hồ đập khi chỉ tính riêng 3 tỉnh Bắc Trung Bộ đã có hơn 1.300 hồ chứa, khi mưa to thì nguy cơ cao. Ngay hồ thuỷ điện Hố Hô, dung tích không lớn nên mưa nhỏ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trong sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ có cuộc họp trực tuyến với các tỉnh để ứng phó với bão số 4.

D.Hải
Ý kiến của bạn