Sáng nay (1/8), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 3 (tên quốc tế Wipha).
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, vào hồi 7h hôm nay, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 350km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12 (đang di chuyển chậm lại). Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 3. (Ảnh: TTKTTVQG).
Dự báo chính thức của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng chiều đến đêm 2/8 bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, trọng tâm là Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió cấp 7-8, giật cấp 11.
Từ ngày 1-2/8, mưa lớn sẽ xảy ra ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa; ngày 3-4/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ mưa to đến rất to. Do thời gian mưa kéo dài, lượng mưa lớn nên cảnh báo lũ quét sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và phương tiện trên sông, biển khu vực Hải Phòng trong thời gian có Bão số 3, sáng nay (1/8), UBND TP. Hải Phòng vừa ra thông báo cấm các hoạt động giao thông thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển, đảo, ven sông từ 17h00 chiều nay.
Theo đó, bắt đầu từ 17h00 chiều nay, UBND TP. Hải Phòng sẽ dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách các tuyến đường thủy nội địa; cấm các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, đảo, ven sông.
Trước đó, nhằm đối phó với Bão số 3, Quảng Ninh đã tạm dừng cấp phép, thông báo và yêu cầu các phương tiện di chuyển đến điểm tránh trú bão an toàn đối với khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Đầm Hà, Móng Cái từ 10h, ngày 1/8; riêng khu vực biển Cô Tô đã tạm dừng cấp phép từ 6h, ngày 1/8.
Sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm
Trước diễn biến cơn bão số 3 dự kiến đổ bộ vào đất liền vào thời điểm triều cường kết hợp mưa lớn do ảnh hưởng của bão nguy cơ mất an toàn tới các công trình phòng chống thiên tai, đê điều và khu vực dân cư ven biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
Đối với tuyến biển: Sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khách du lịch trên các đảo, tránh tư tưởng chủ quan; hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt lưu ý tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu khách.
Duy trì liên lạc sẵn sàng xử lý sự cố; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu đảm bảo an toàn tàu, thuyền tại bến; chằng chống, di chuyển tránh trú lồng bè, chòi canh ven biển; chủ động thu hoạch sớm, giảm thiểu thiệt hại; kiên quyết không để người ở lại các chòi canh, lều canh, lồng bè nuôi trồng hải sản; các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để cấm biển.
Lập ngay các đoàn kiểm tra các điểm xung yếu
Đối với tuyến bờ: Rà soát phương án ứng phó thiên tai, lưu ý kiểm soát việc triển khai phương án đảm bảo an toàn cho kho, bãi; các hoạt động kinh tế tại các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng; công trình xây dựng đang thi công, khu du lịch ven biển. Chủ động vận hành hồ chứa tích nước, đồng thời chủ động các phương án điều tiết đảm bảo an toàn công trình.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập đang thi công; chống ngập úng tại đô thị. Tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng.
Đối với khu vực miền núi: Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.
Cũng tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai và Tổng cục Thủy lợi lập ngay các đoàn công tác rà soát, kiểm tra các công trình đang thi công, các điểm đê xung yếu để đôn đốc các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn, trước khi bão đổ bộ, cũng như có các trận mưa lớn.