Bão số 3 có thể là cơn bão tăng tốc nhanh nhất lịch sử ở Biển Đông

05-09-2024 09:20 | Xã hội

SKĐS - Bão số 3 vẫn không ngừng tăng tốc. Từ cường độ mạnh cấp 8 khi vào Biển Đông, chỉ sau hơn một ngày bão tăng 5 cấp với cường độ mạnh lên cấp 13. Tối nay (5/9), bão có thể đạt mức siêu bão với vận tốc trên 200km/h.

Vì sao bão số 3 liên tục tăng cấp trước khi đổ bộ vào đất liền nước ta?Vì sao bão số 3 liên tục tăng cấp trước khi đổ bộ vào đất liền nước ta?

SKĐS - Bão số 3 đang liên tục tăng cấp trước khi đổ bộ vào đất liền nước ta. Rất lâu chưa có bão xuất hiện trên biển Đông nên độ ẩm, nhiệt độ, khí áp, hoàn lưu khí quyển, dòng dẫn… tại khu vực này rất thuận lợi cho bão phát triển.

Bão số 3 không ngừng tăng tốc

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 5/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.

Bão số 3 có thể là cơn bão tăng tốc nhanh nhất lịch sử ở Biển Đông- Ảnh 2.

Bão số 3 tăng tốc rất nhanh trên Biển Đông.

Dự báo đến 7h ngày 6/9, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15km/h; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 190km về phía Đông, cách Quảng Ninh khoảng 590km về phía Đông Đông Nam. Gió cấp 16, giật trên cấp 17

Đến 7h ngày 7/9, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h và suy yếu dần trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 190km về phía Đông Đông Nam với gió cấp 13-14, giật cấp 17.

Trên biển, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Từ đêm 06/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Trên đất liền, từ gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nước dâng do bão, nguy cơ ngập lụt vùng ven biển. Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5-1,8m: Quảng Ninh từ 1,5-1,8m; Hải Phòng và Thái Bình từ 1,2-1,5m; Nam Định và Ninh Bình từ 0,8-1,2m; Thanh Hoá: 0,5-1,0m.

Các khu vực neo đậu tầu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng do bão.

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.

Bão số 3 có thể là cơn bão tăng tốc nhanh nhất lịch sử ở Biển Đông- Ảnh 3.

Miền Bắc có thể hứng mưa rất lớn do bão số 3 đổ bộ.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, bão số 3 (bão YAGI) có thể sẽ được ghi nhận là cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong Biển Đông.

Nhờ điều kiện vô cùng thuận lợi của Biển Đông với mặt biển ấm và đứt gió yếu, nguồn năng lượng dồi dào nên bão YAGI đã tăng cấp rất nhanh. Từ cường độ mạnh cấp 8 khi vào Biển Đông, chỉ sau hơn một ngày bão tăng 5 cấp với cường độ mạnh lên cấp 13, giật cấp 16 vào chiều qua (4/9).

Thời điểm hiện tại, bão số 3 vẫn tiếp tục tăng cấp và có thể đạt mức siêu bão vào tối nay (5/9_ với vận tốc lên đến trên 200km/h. Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Trong 8 năm qua, chúng ta chưa ghi nhận cơn bão mạnh nào đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ kể từ sau bão số 1 (Mirinae) năm 2016.

2 ngày chuẩn bị các phương án chống bão

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, theo các dự báo hiện nay, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, lâu lắm mới có cơn bão mạnh thế này. Khu vực bão đổ bộ cũng chính là vùng trọng điểm về công nghiệp và nông nghiệp phía Bắc ở nước ta.

"Có khoảng 20 nghìn lồng cá, 1 triệu ha lúa mùa, trong đó một nửa lúa đang trổ đòng, chỉ cần mưa ngập khoảng 24 tiếng là hư hỏng. Chưa tính đến hoa màu, do đó nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn nếu chúng ta không có phương án phòng chống kỹ càng", ông Hiệp cho hay.

Theo ông Hiệp, hiện nay rủi ro cấp thiên tai do bão số 3 đánh giá ở cấp 4, ở mức Chính phủ chỉ đạo. Nhưng nếu lên cấp 5, Chủ tịch nước phải ban bố lệnh khẩn cấp.

Ông Hiệp đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng cần dự báo sát, đúng tình hình bão số 3. Vào chiều nay (5/9) sẽ tròn 48 tiếng trước khi bão đổ bộ nên phải có dự báo chuẩn để có thể ra các kịch bản phòng chống. Bởi đây là thời điểm quyết định.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đây là cơn bão mạnh hiếm gặp trong vòng 10 năm trở lại đây. Do đó, các địa phương cần chủ động công tác phòng chống, với tinh thần "không nuối tiếc" để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, hiện người dân còn khoảng 2 ngày để chuẩn bị chống bão. Cần lên kế hoạch sơ tán và thực hiện việc sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương muộn nhất là vào 21 giờ ngày 6/9. Dự báo đến sáng ngày 7/9, tâm bão đã cận kề Quảng Ninh và Hải Phòng rồi. Vùng gió mạnh bao gồm cả Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội.

Vùng mưa lớn gây nguy cơ ngập lụt ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc. Người dân cần chằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn, kê cao đồ đạc nếu ở vùng thấp trũng. Hạ biển quảng cáo ngoài trời. Đóng kín cửa sổ, cửa chính. Hạ thấp giàn cây cảnh trên cao. Neo đậu tàu thuyền vào nơi khuất gió. Neo các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản

Chuẩn bị nước uống và đồ ăn đủ cho 2 ngày. Bão vào có thể gây mất điện. Mất điện cũng dễ bị mất nước. Sạc đầy điện thoại, đầy thiết bị tích điện. Cần có đèn pin tích điện để dùng đề phòng mất điện hoặc phải sơ tán trong đêm. Sơ tán tại chỗ là phương án tiết kiệm nhất cho cả chính quyền và cả người dân lại tăng tính đoàn kết cộng đồng.

Bão YAGI hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành bão đêm 1/9 và đi vào Biển Đông vào sáng 3/9. Trước khi vào Biển Đông, cơn bão này đã càn quét khu vực miền Bắc và miền Trung của Philippines với cường độ cấp 9, gây mưa lớn và gió giật mạnh, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.

Siêu bão số 3 đổ bộ, chuyên gia chỉ cách người dân chống bão an toànSiêu bão số 3 đổ bộ, chuyên gia chỉ cách người dân chống bão an toàn

SKĐS - Bão số 3 đang mạnh lên và dự báo có thể đạt cấp siêu bão, cảnh báo mức thảm họa. Người dân cần chuẩn bị các phương án ứng phó trước khi bão đổ bộ để an toàn tính mạng và tài sản.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguyên nhân nào khiến bệnh trầm cảm gia tăng ở giới trẻ? | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn