Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 16 giờ ngày 22/7, bão số 2 ở vị trí khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 108.4 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 10km/h.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 22/7 đến ngày 24/7, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Từ ngày 23/7 đến ngày 24/7, khu vực phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 200mm.
Chiều tối và đêm 22/7, ở Nghệ An – Hà Tĩnh, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Ở khu vực phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm.
Cảnh báo, từ đêm 24/7, mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có xu hướng giảm dần. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Người dân ở các khu vực ven biển Bắc Bộ, nhất là khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh cần đặc biệt theo dõi sát diễn biến bão số 2.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, theo các mô hình dự báo thì bão số 2 sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc vào khu vực biên giới phía Bắc, giáp giữa Quảng Ninh và phía Nam Trung Quốc. Bão có xu hướng mạnh lên khi vào giữa Vịnh Bắc Bộ với vận tốc gió từ 80-90km/h (mạnh cấp 9, giật cấp 10 -11). Khi tiếp cận bờ biển Quảng Ninh vào sáng sớm mai (23/7), bão sẽ có cấp 9, giật cấp 10 ở ven bờ và có cấp 8, giật cấp 9 trong đất liền.
Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh và khu vực phía trong đồng bằng Bắc Bộ gồm các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội, gió phía trong đất liền có thể đạt cấp 8 vào ngày 23/7.
Mưa lớn từ ngày 23-25/7 từ tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Ninh và bao gồm cả các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Hoàn lưu bão khá lớn có thể gây mưa lớn từ 200-300mm ở khu vực phía Đông Bắc, Tây Bắc, Trung du miền núi phía Bắc, khu vực Hà Nội, Hòa Bình, và cả phía Tây Nghệ An.
TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, tất cả tàu thuyền đánh cá, tàu du lịch và tàu nhỏ cần di chuyển vào khu neo đậu an toàn trước 18h00 hôm nay. Đặc biệt lưu ý không ở lại trên tàu thuyền khi bão vào gần bờ. Tránh neo đậu thuyền ở nơi không có cảng an toàn. Các tàu còn trên biển có thể di chuyển theo hướng Nam - Tây Nam sẽ tránh được vùng tâm bão.
Tránh neo lồng bè ở các khu vực cửa sông nơi có dòng nước lũ đi ra biển. Tránh ở lại trên lồng bè. Trường hợp không thể di dời các bè nuôi cá thì nên bắt tỉa cá lớn. Vùng thấp trũng ven biển nên sơ tán gia cầm lên cao, hoặc có giá đậu cho gia cầm. Người dân ở vùng ven biển, vùng thấp trũng lưu ý không ở lại trong các nhà cấp 4, nhà có tường yếu. Nên di chuyển sang nhà hàng xóm lân cận mà họ có nhà bê tông kiên cố, hoặc tuân thủ lệnh sơ tán tránh bão của chính quyền địa phương. Tuyệt đối không đi ra ngoài đường khi bão vào, tránh tôn bay, cây đổ.
Để ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tập trung vào việc tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Các tỉnh, thành phố cần bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Đồng thời, các địa phương triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích; huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 22/7.