Tuy nhiên, do diễn biến thất thường của thời tiết, người dân các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn phải đề phòng với mưa lũ.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tuy bão đã tan trên biển nhưng từ ngày 19-24/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3.
Để giảm tối đa các thiệt hại do mưa và áp thấp nhiệt đới gây ra, 4 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu đã cấm biển từ ngày 18/11/2017 cho đến khi thời tiết trở lại bình thường. Các tỉnh này cũng kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão. Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai ứng phó. Đến ngày 19/11, Khánh Hòa đã sơ tán 4.496 hộ dân, Ninh Thuận 4.663 hộ dân ở nơi tiềm ẩn nguy hiểm đến nơi an toàn.
Bão 14 tan ngoài biển vẫn phải tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 12 ở Khánh Hòa.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới cũng cho biết; tính đến sáng ngày 19/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 62.512 tàu/307.064 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển và thoát khỏi vùng nguy hiểm. Dù bão đã thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn tiếp tục kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản lên bờ trú tránh đảm bảo an toàn; chủ động sơ tán, di dời dân ở vùng thấp trũng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Sát cánh cùng người dân vừa khắc phục hậu quả cơn bão số 12, ngành y tế các tỉnh Nam Trung Bộ vừa thành lập các tổ công tác cơ động trực chiến 24/24h ở các địa phương bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Cơ số thuốc phục vụ cho việc cứu chữa người bị thương cũng được bố trí đầy đủ, sẵn sàng tại bệnh viện các huyện. Ngay từ sáng sớm ngày 19/11, dù bão đã tan nhưng ở hầu hết các bệnh viện đều tăng cường bác sĩ trực để đề phòng khi cứ sự cố sẽ ứng phó kịp thời. Sở Y tế Bình Thuận, Khánh Hòa cho biết: Dù đến ngày 19/11, không có tai nạn nào do mưa gió gây nên nhưng công tác trực chiến luôn sẵn sàng. Bên cạnh đó, do diễn biến thất thường của thời tiết và có thể mưa kéo dài nên đã chuẩn bị sẵn hàng ngàn kg chloramin B và chuyển cho các địa phương để ứng phó khi có lũ lụt xảy ra trong những ngày sắp tới. Công tác vệ sinh giếng nước, nhà ở do ảnh hưởng của trận bão lũ số 12 vẫn được tiến hành khắc phục.