Hà Nội

Bão số 10 mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây

13-09-2017 15:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Hình thành từ áp thấp nhiệt đới và mạnh lên thành bão sau khi vượt qua khu vực miền Trung Phi-líp-pin đi vào Biển Đông chiều qua, bão số 10 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây khi đi vào Biển Đông.

Cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn đã phải nâng lên thành cấp 4 đối với bão số 10, trong khi hầu hết những cơn bão trước đều ở cấp 3 và dưới cấp 3.

Diễn biến bão khó lường, dễ ảnh hưởng trực tiếp nước ta

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sáng nay (13/9), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai triển khai các biện pháp ứng phó bão số 10.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, cường độ bão số 10 tiếp tục mạnh lên trên đường di chuyển. Dự báo nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ở cấp 12 vào đêm ngày 15, rạng sáng  ngày 16 tháng 9; vùng ảnh hưởng của bão có bán kính lên đến 500km. Mưa kèm theo bão tập trung ở Bắc Trung bộ đến Thừa Thiên Huế; các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình lượng mưa từ 100 đến 300mm…

Ứng phó bão số 10, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã có công điện gửi tới các đơn vị biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển thông báo bão đến ngư dân và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh an toàn.

Cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó bão số 10 diễn ra sáng nay.


Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng phạm vi bão đổ bộ rộng kèm theo mưa lớn, vùng bão đi qua đang có nhiều tàu thuyền hoạt động, đặc biệt là khu vực miền núi có độ  dốc rất nguy hiểm, vì vậy các biện pháp ứng phó phải chủ động và quyết liệt tránh tư tưởng chủ quan.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, bão số 10 là cơn bão rất nguy hiểm, di chuyển nhanh, với ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên diễn biến khó lường, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong thời điểm các hồ chứa thủy điện đang xả lũ và những tổn thương do thiên tai gây ra ở các địa phương thời gian qua đã và đang được khắc phục, nay cộng thêm với tác động của bão sẽ làm tăng thêm những hậu quả khôn lường nếu chủ quan trong ứng phó.

Xem xét cấm biển từ ngày mai, khẩn trương chống bão

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phải cập nhật thường xuyên về diễn biến bão để đưa ra dự báo sát thực tế, với độ chính xác nhất để tham mưu Ban chỉ đạo và thông tin kịp thời đến người dân và các địa phương. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là khẩn trương kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm từ vĩ độ 13 đến vĩ độ 19. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa xem xét lệnh cấm biển từ ngày mai (14/9), có phương án di dời người dân đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và phương tiện khi neo đậu, nhất là tàu du lịch, tàu vãng lai.

Về ứng phó sản xuất nông nghiệp: Khẩn trương thu hoạch lúa mùa theo tinh thần “Xanh nhà hơn già đồng”, không gieo trồng vụ Đông trong thời điểm này, đảm bảo tiêu nước đệm vũng trũng thấp. Về đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, tiếp tục xả hồ Sơn La 2 cửa đáy, hồ Hòa Bình duy trì xả 3 cửa đáy, phát điện tối đa tất cả các tổ hợp suốt ngày đêm. Yêu cầu ngành điện thực hiện nghiêm ý kiến của Ban chỉ đạo, với tình hình này hoàn lưu bão gây mưa lớn có thể tiếp tục phải xả thêm cửa đáy.

Cùng với đó, có các phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các lồng, bè; kiểm tra hệ thống hồ thủy lợi, đê điều xung yếu nhằm sẵn sàng khi có mưa lũ xảy ra. Yêu cầu Bộ ngoại giao gửi công hàm phối hợp các nước trong công tác thông tin kêu gọi, cứu hộ cứu nạn tàu thuyền. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai trực ban 24/24, bám sát diễn biến bão số 10, tham mưu Ban chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2 người chết vì bị sét đánh và lũ cuốn trôi

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và báo cáo cập nhật của các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn tình hình thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở từ ngày 9/9 đến 12/9 trên địa bàn các tỉnh đã khiến 1 người chết (Ông Đặng Nguyên L., 40 tuổi, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn bị lũ cuốn trôi, hiện đang tìm kiếm nạn nhân).

Về nhà: 3 nhà bị sập (Bắc Kạn: 02; Hà Giang: 01); 97 nhà bị thiệt hại do sạt lở (Lào Cai: 91; Bắc Kạn: 02; Hà Giang: 04); 02 nhà bị tốc mái tại Hà Giang.

Về nông nghiệp: 97,66 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Bắc Kạn: 76,88; Tuyên Quang: 18,68; Lào Cai 2,1).

Về giao thông: Quốc lộ 3B sạt lở 04 vị trí tại Yên Bái, tổng khối lượng sạt lở 9.987m3 ¬đất, đá; Quốc lộ 4C sạt lở 01 vị trí tại Hà Giang, tổng khối lượng sạt lở 30m3 đất, đá; Tỉnh lộ ĐT.258 sạt lở 02 vị trí tại Bắc Kạn, tổng khối lượng sạt lở 14.440 m3 đất, đá; Sạt lở 3.150 m3 phía ta luy dương của đường tỉnh lộ (tỉnh Bắc Kạn). Tổng thiệt hại ước tính: 4,875 tỷ đồng.

Theo báo cáo ngày 12/9 của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương; do ảnh hưởng của mưa, dông cục bộ từ ngày 9/9 đến 12/9 đã làm: 01 người chết (Ông Đặng Thế T., sinh năm 1966, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh bị sét đánh chết trong lúc đi gặt lúa); 142 nhà bị tốc mái (Hà Tĩnh); 102 nhà bị ngập (Bình Dương). Tổng thiệt hại ước tính: 2,14 tỷ đồng. Đến chiều ngày 12/9 nước đã rút hết.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN địa phương đã tổ chức, huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân tìm kiếm người, thăm hỏi người bị nạn, khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất; xử lý các tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt đảm bảo thông tuyến.

P.H
Ý kiến của bạn