Bão số 10 diễn biến phức tạp

04-11-2020 14:25 | Thời sự

SKĐS - Ngày 4/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 10.

Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ban hành kịp thời các ban tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế nhất là đối với các khu vực đang tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn, những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…; thông báo kiểm soát tàu thuyền, đặc biệt là các tàu Bình Định, Tiền Giang còn trong vùng nguy hiểm; tàu vận tải, vãng lai neo đậu ở các cửa sông, hướng dẫn neo đậu trên bến để đảm bảo an toàn người và phương tiện.

Hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản nhất là ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

Các đơn vị chức năng tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp trong công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão;

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu hộ; Giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng bão và mưa sau bão; khôi phục hệ thống điện, lưu ý trước khi đóng điện trở lại cần thông báo cho các cơ quan và người dân để tránh xảy ra tai nạn. Vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu;

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu, các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủ y ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tăng cường công tác trực ban, đôn đốc các địa phương, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi báo cáo tình hình khắc phục hậu quả mưa, bão, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo.

Theo đại diện cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 8 giờ ngày 4/11, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Thanh Hoá đến Khánh Hoà đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện với 232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm (hoạt động ở khu vực khác 1397 phương tiện/12.575 người; neo đậu tại bến 48.487 phương tiện/219.543 người). Hiện còn 10 phương tiện với 80 lao động (Bình Định 8 phương tiện/60 lao động, Tiền Giang 2 phương tiện/20 lao động) trong vùng nguy hiểm đã nhận thông tin và đang di chuyển tránh bão. Bộ Giao thông vận tải có công điện chỉ đạo các cảng vụ hàng hải giữ liên lạc, hướng dẫn các tàu trú tránh bão.

Bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới?

Hồi 10 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 22 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 10 giờ ngày 05/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-70km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 06/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Gió mạnh trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-6m; biển động rất mạnh.

Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6, từ đêm nay (04/11) tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m, biển động mạnh.

Mưa lớn: Từ đêm nay (04/11) đến 06/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Từ ngày 05-07/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.


T.H
Ý kiến của bạn