Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Cửa Ông và Móng Cái (Quảng Ninh), Phù Liễn (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 6; Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 7.
Hồi 10 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 60km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11.
Bão đang theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20 km/h, dự kiến đi vào biên giới Việt - Trung từ 11h với sức gió mạnh nhất 88 km/h, cấp 9. Đến 16h, tâm bão ở đông bắc Bắc Bộ, gió giảm còn cấp 7 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới sau đó tiếp tục đi sâu vào vùng núi phía Bắc và tan vào sớm 19/7.
So với dự báo chiều qua, hướng đi, cường độ bão Talim thay đổi một chút. Tâm bão sượt qua TP Móng Cái (Quảng Ninh), phạm vi gây mưa vì thế cũng thu hẹp hơn. Hôm nay và ngày mai, Đông Bắc, Việt Bắc mưa 200-300 mm, có nơi trên 350 mm. Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An mưa 70-150 mm.
Từ đêm nay đến ngày 20/7, các sông suối Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2-4 m ở thượng lưu, 1-3 m ở hạ lưu. Đỉnh lũ trên các sông Thương, Lục Nam, thượng nguồn sông Chảy, Lô có khả năng lên báo động 1 (cao nhất báo động 3). Các sông suối nhỏ ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang và Thái Nguyên.
Theo ông Trần Văn Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), đến sáng nay, 18/7, Bộ đội biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 12.668 phương tiện/29.812 lao động từ Quảng Ninh đến Ninh Bình biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Tất cả các tàu đã vào nơi neo đậu hoặc di chuyển đến vị trí trú, tránh.
Trong khi đó, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 183 tàu biển và 259 phương tiện thuỷ nội địa đang hoạt động. Các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1 để có phương án đảm bảo an toàn. Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 119.803 ha; 3.154 lều, chòi canh; 22.973 lồng/bè. Hầu hết các địa phương đã hoàn thành sơ tán dân trên lồng bè.
Hôm nay, ba sân bay chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của bão Talim là Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng) và Nội Bài (Hà Nội) đã đóng cửa. Việc kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Thái Bình đã cơ bản hoàn tất. Các địa phương đang ứng trực, đề phòng mưa sau bão có thể gây ngập úng, sạt lở đất, ảnh hưởng đến các tuyến đê xung yếu.
Bão Talim hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương, sau khi vào Biển Đông chủ yếu theo hướng tây tây bắc, nhanh chóng tăng cấp, đạt cực đại 133 km/h (cấp 12) vào ngày 17/7. Sau Talim, khả năng có 2-3 cơn bão hình thành từ dải hội tụ này, trong đó một cơn vào Biển Đông vào 4-6 ngày tới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đi Bắt Ong, Người Dân Tá Hỏa Phát Hiện Bộ Xương Bí Ẩn Trên Núi Đá Ở Bình Thuận | SKĐS