Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 670km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24-48 giờ tới bão số 1 di chuyển Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h và có khả năng mạnh thêm, đến khoảng tối và đêm 17/7 đổ bộ vào khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi xuống Vịnh Bắc Bộ, khoảng chiều và đêm 18/7 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Đây là kịch bản tương đối thống nhất của các Trung tâm Dự báo quốc tế và Việt Nam.
Ngoài ra ông Hưởng lưu ý khả năng bão số 1 khi vượt qua khu vực đảo Lôi Châu (Trung Quốc), có thể đổi hướng di chuyển lệch hơn về phía Nam, mở rộng vùng ảnh hưởng xuống khu vực các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, kịch bản này có xác suất thấp nhưng vẫn cần phải lưu ý đề phòng.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, khu vực phía Bắc của vùng biển phía Bắc của Bắc Biển Đông có thể có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển 6,0-8,0m; biển động rất mạnh. Vùng biển phía Nam của Bắc Biển Đông, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2,5-5,0m; biển động mạnh.
Vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ chiều và tối ngày 17/7 có gió bão mạnh. Đề phòng nguy cơ sóng lớn ở khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Các tàu thuyền cần phải thường xuyên giữ liên lạc, cập nhật dự báo để chủ động tránh, trú. Ven biển cần lưu ý các tàu du lịch, khu neo đậu tránh trú bão, các khu nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với bão số 1 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 16/7, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngày và đêm 17/7, vùng biển phía Bắc của Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao 6,0-8,0m; biển động dữ dội. Vùng biển phía Nam của Bắc Biển Đông, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2,5-5,0m; biển động mạnh. Vịnh Thái Lan và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2,0-3,0m; biển động. Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.
Đề phòng mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất
"Ngoài ra, ngay từ khi bão còn ở rất xa ngoài biển, trên đất liền có thể xuất hiện giông, lốc, sét ở rìa xa bão; Đặc biệt lưu ý, mưa lớn và gió mạnh ở trên đất liền sẽ xảy ra từ rạng sáng ngày 18/7 đến ngày 21/7, trọng tâm mưa là ngày và đêm 18/7", ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
Chuyên gia nhận định, các dự báo xa hiện nay còn có nhiều khả năng xảy ra, dự báo hiện tại cho thấy bão số 1 có khả năng gây gió mạnh nhiều nơi ở khu vực ven biển, đây có thể là cơn bão mạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ trong vài năm gần đây. Ngoài gió mạnh bão số 1 cũng sẽ gây ra một đợt mưa lớn kéo dài ở khu vực Bắc Bộ, đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Các dự báo cụ thể về tác động ở ven biển và đất liền sẽ được tiếp tục cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cảnh báo các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất. Đây vẫn là nguy hiểm chính do mưa bão số 1 cũng như các đợt mưa lớn thời gian tới, trong đó các tỉnh vùng núi phía Bắc cần đặc biệt chú ý trong cơn bão số 1 này. Mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa giông và nắng nóng liên tiếp vừa qua khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng cao từ ngày 18/7 ở khu vực Bắc Bộ, trong đó nguy cơ cao tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
"Rất khó để cảnh báo được chính xác cụ thể vị trí xảy ra sạt lở, vì vậy kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chỉ đạo lực lượng xung kích ở các địa phương thường xuyên rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để thông báo cho các hộ dân lưu ý, phòng tránh", ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Các Dấu Hiệu Phân Biệt Sốt Xuất Huyết Và Tay Chân Miệng | SKĐS