BS. Hoàng Đình Trung. |
Ngày ấy, hơn 10 năm trước, tôi là bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sa Pa. Cuộc sống vẫn bình lặng trôi nếu như không có sản phụ N.T.H., 39 tuổi, đến cấp cứu vào ngày 23/8. Khi sản phụ đến, tình trạng chuyển dạ đẻ con thứ 3. Sau một đêm, sản phụ chuyển dạ nhưng thai đã chết lưu, ối vỡ sớm. Chúng tôi khẩn trương quyết cứu sản phụ nhưng tình hình mỗi lúc một nguy kịch.Thật là “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. 8 giờ sáng hôm ấy, sau khi khám bệnh nhân và theo dõi thấy ngôi thai không tiến triển, tôi xin ý kiến Giám đốc quyết định chuyển bệnh nhân về BV đa khoa tỉnh. Xe cấp cứu đã chuẩn bị đến 10 giờ có thể chuyển bánh nhưng trước khi đưa ra xe chuyển tuyến trên, khám lại sản phụ có biểu hiện cuộc chuyển dạ tiến triển (cổ tử cung mở 7cm, đầu đã lọt, toàn trạng sản phụ mệt, kêu đau tức ngực và khó thở). Lúc đó tôi nghĩ, với tình trạng như thế, chắc chắn sản phụ H. sẽ có nhiều diễn biến phức tạp xảy ra sau khi rời BV chỉ vài cây số. Không đành lòng biết BN nguy hiểm có thể sẽ chết trên đường để rũ bỏ trách nhiệm, tôi xin để BN ở lại cấp cứu cho qua khỏi cơn nguy kịch rồi hãy chuyển BN đi cho an toàn. Việc cấp cứu lúc đó kéo dài sự sống cho BN thêm vài tiếng nhưng đến lúc 11 giờ thì BN tử vong.
Thế là gia đình sản phụ H. kiện tôi vì lý do lần đẻ trước, sản phụ không sao, mẹ tròn con vuông mà sao lần này vào tay tôi thì con trong bụng chết rồi mẹ cũng chết. Công an huyện vào điều tra phát hiện thấy biên bản giao ban quyết định chuyển BN lên BVĐK tỉnh nhưng BS giữ lại và cho rằng đấy là nguyên nhân tử vong của sản phụ. Vụ án được khởi tố và tôi bị truy tố, cho tại ngoại, cấm rời khỏi nơi cư trú.
Trước cơ quan bảo vệ pháp luật, tôi không sao thanh minh được cho mình, chỉ còn kịp viết vội lá đơn kêu cứu với dòng chữ nguệch ngoạc kể hết sự thật và nhờ người gửi đến báo SK&ĐS. Thật tình, gửi đơn vậy nhưng tôi không mấy hy vọng vì báo SK&ĐS bận trăm công nghìn việc trên cả nước liệu có để ý đến một BS ở vùng núi xa xôi heo hút khó đi khó đến này. Có lúc thất vọng, tôi tự an ủi rằng “cái số” mình phải dính chuyện tù tội nên đành chịu thôi.
Thế rồi nhóm PV điều tra của báo do đồng chí Trưởng ban Bạn đọc dẫn đầu đã đến. Thấy anh trưởng ban, tôi không hiểu thái độ của anh thế nào vì rất chăm chú nghe, ghi chép nhưng không hề biểu lộ sự thông cảm hay phẫn nộ với tôi trước vụ án này. Trước khi về, anh trưởng ban chỉ nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với phòng kỹ thuật hình sự tỉnh. Vấn đề này cần có các chuyên gia sản đầu ngành đánh giá. Tôi tin cuộc sống hôm nay và các cơ quan bảo vệ pháp luật không để những thầy thuốc chân chính bị oan!”.
Lại những giờ phút chờ đợi dài như hàng thế kỷ. Và rồi bài báo 2 kỳ về vụ án của tôi đăng trên báo SK&ĐS. Tôi còn nhớ như in bài báo đó trong đó trước tiên là ca ngợi công an huyện đã thu thập đầy đủ chứng cứ trong tập tài liệu mà báo SK&ĐS có được. Từ tập chứng cứ đó, nhóm PV đã làm việc với phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh và GS. Vy lúc đó đang là Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cùng nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế khác. Báo nêu ý kiến của GS. Vy: “Dây rau ngắn thì thai chết lưu. Tắc mạch nước ối thì tất cả sản phụ trên thế giới đều tử vong trừ một người nhưng người đó mất khả năng làm chủ bản thân. Sản phụ H. nằm trong trường hợp này”. Đọc những dòng chữ trên bài báo, nước mắt tôi trào ra, thầm cảm ơn các giáo sư và cảm ơn PV báo SK&ĐS chẳng hề quen biết tôi đã đi rất nhiều nơi để tìm ra sự thật và công bố sự thật một cách khoa học.
Với bài báo đã đăng, với những ý kiến của các giáo sư y học, cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Sa Pa đã hiểu ra và đình chỉ điều tra. Quan trọng hơn, người nhà sản phụ H. đã hiểu lòng tôi với người thân của họ và hết thù oán.
BS. Hoàng Đình Trung (BV đa khoa Sa Pa)