Bao quy đầu dài là gì?
Trên dương vật có phần đầu được gọi là quy đầu, phần da bao bọc và che chở cho phần quy đầu thì được gọi là bao quy đầu. Bao quy đầu của nam giới có 4 loại chính.
- Bao quy đầu bình thường
Toàn bộ vùng da quy đầu khi kéo xuống dưới, vùng bao quy đầu sẽ lộ ra hoàn toàn.
- Bao quy đầu dài
Toàn bộ da sẽ trùm lên quy đầu nhưng có thể trượt lên/xuống dễ dàng.
- Bao quy đầu bán hẹp
Có thể trượt lên/xuống được, tuy nhiên nếu dương vật ở tình trạng cương cứng việc trượt lên/xuống sẽ khó khăn hơn.
- Hẹp bao quy đầu
Là khi miệng bao quy đầu nhỏ, trượt lên/xuống khó khăn. Thậm chí có những trường hợp không thể kéo xuống được.
Những cấu trúc về giải phẫu bao quy đầu thường có yếu tố di truyền. Theo thống kê, 90% con sẽ giống bố và trên 90% hai anh em trong gia đình sẽ giống nhau.
Bao quy đầu dài có nên cắt, khi nào nên cắt bao quy đầu
Có nên cắt bao quy đầu không? Điều này phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ và thường chỉ định trong các trường hợp:
- Hẹp hoàn toàn bao quy đầu. Là trường hợp lỗ tiểu bé gây lắng đọng các chất cặn bã, lâu ngày dẫn tới viêm nhiễm.
- Bán hẹp bao quy đầu nhưng ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày và khi quan hệ tình dục. Đặc biệt khi quan hệ tình dục dương vật cương cứng, vòng xơ hẹp không tương xứng với kích thước dương vật dẫn tới tình trạng nghẹt bao quy đầu.
- Viêm bao quy đầu mạn tính kéo dài và điều trị nội khoa không hiệu quả. Nếu tình trạng viêm nhiễm cấp tính không điều trị sẽ dẫn tới viêm nhiêm mạn tính. Thời gian viêm kéo dài từ 3-6 tháng trở lên và điều trị nội khoa không hiệu quả, lúc này bệnh nhân nên phẫu thuật.
- Viêm bao quy đầu xơ teo do viêm nhiễm lâu ngày.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý kèm theo như sùi mào gà, bệnh lý sỏi tại vùng bao quy đầu. Bác sĩ sẽ dùng thủ thuật lấy sỏi hoặc cắt phần sùi mào gà đồng thời cắt bao quy đầu để tạo hình.
- Cắt theo tôn giáo hoặc theo nhu cầu cá nhân.
Bao quy đầu hẹp, dài có ảnh hưởng gì không?
Xét về sinh lý học, nếu bị hẹp hoặc dài bao quy đầu sẽ dẫn tới tình trạng bao quy đầu bị phần da trùm lên và luôn ở trong tình trạng tối tăm, ẩm thấp. Sau mỗi lần tiểu tiện nước tiểu và chất cặn bã hay đọng lại phía trong, theo thời gian chất bẩn tích tụ lại dễ dẫn đến viêm nhiễm. Khi cơ thể nam giới gặp các điều kiện thuận lợi như sức đề kháng giảm, cơ thể mệt mỏi, không vệ sinh vùng kín thường xuyên, yếu tố ngoại lai (thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh) … tình trạng viêm nhiễm sẽ bùng phát lên.
Viêm nhiễm bao quy đầu có nguy hiểm không? Đây là tình trạng hay gặp nhất trong các bệnh lý liên quan đến bao quy đầu. Bên cạnh đó còn có các tình trạng khác như viêm xơ teo bao quy đầu, sỏi bao quy đầu, loét bao quy đầu… Có tới 95% ung thư dương vật có nguyên nhân từ các bệnh lý viêm, hẹp bao quy đầu.
Viêm bao quy đầu có chữa được không?
Hiện nay bao quy đầu là bệnh lý thường gặp ở nam giới. Các cách chữa viêm bao quy đầu bao gồm:
Phương pháp nội khoa
Đây là phương pháp điều trị không can thiệp dành cho các trường hợp viêm mức độ nhẹ. Qua đánh giá của bác sĩ tình trạng viêm có thể điều trị bằng nội khoa được. Ví dụ trong trường hợp bao quy đầu dài dẫn tới tình trạng viêm tuy nhiên chưa kéo dài lâu (dưới 3 tháng) và mức độ viêm nhẹ tới trung bình hoặc tình trạng bán hẹp bao quy đầu nhưng không gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt. Phác đồ điều trị bao gồm dùng kháng sinh, chống viêm, thuốc bôi tại chỗ. Nếu tuân thủ phác đồ, sau 5-7 tổn thương viêm sẽ giảm.
Thủ thuật can thiệp
Đây là phương pháp dùng thủ thuật can thiệp có sang chấn, các thủ thuật bao gồm:
- Can thiệp nong bao quy đầu (trong trường hợp hẹp bao quy đầu nhưng chưa có chỉ định cắt hoặc người bệnh không muốn cắt).
- Tháo hẹp bao quy đầu (hẹp bao quy đầu hoặc bán hẹp bao quy đầu). Trong trường hợp này, da bao quy đầu bị kéo xuống lúc dương vật xìu và khi dương vật cương cứng phần da không trượt lên được gây ra tình trạng thắt nghẹt bao quy đầu. Đây là tình huống y tế cần xử lý trước vòng 6 tiếng, sau 6 tiếng có thể dẫn tới tình trạng hoại tử.
- Cắt bao quy đầu. Các phương pháp gồm phương pháp truyền thống (kéo, dao điện) hoặc dùng máy cắt.
Xem thêm video được quan tâm:
Cảnh Báo 6 Dấu Hiệu Gan Của Bạn Đang ‘Cầu Cứu’ | SKĐS