Các yêu cầu đặt ra...
Việc bảo quản thuốc cần được thực hiện từ nơi sản xuất, lưu thông. Trong khoảng thời gian dài ấy thuốc có thể nằm trong kho, trên đường vận chuyển hay ở quầy bán lẻ, nơi cấp phát. Nguyên tắc chung là phải bảo quản theo đúng các yêu cầu ghi trên nhãn. Yêu cầu này được xây dựng trên cơ sở các kết quả của thử nghiệm tính ổn định (stability testing).
Đa số thuốc được bảo quản trong điều kiện chung có nhiệt độ không quá 26oC, có độ ẩm không quá 75%. Một số thuốc phải bảo quản trong điều kiện đặc biệt mát (trong khoảng 8-15oC), lạnh (trong khoảng 2-8oC) và đông lạnh không vượt quá -10oC.
Bảo quản thuốc (trong kho). |
... Và ghi nhận thực tế
Không được bảo quản đầy đủ các khâu:
Kiểm tra tại công ty (CT), nhà thuốc (NT) thấy thuốc bảo quản nghiêm chỉnh trong kho, quầy. Nhưng khó biết, trước khi nhập vào kho quầy, chúng đã được bảo quản như thế nào, vì CT, NT có thể mua thuốc từ chợ thuốc (nơi không có các thiết bị bảo quản), hoặc cũng có thể mua từ công ty, nhà máy hẳn hoi, nhưng nơi này chở hàng đến không bằng xe chuyên dụng mà bằng mọi cách (xe tải, xe khách, xe thồ...).
Bảo quản yếu nhất ở khâu vận chuyển:
- Phương tiện vận chuyển vừa thiếu, vừa không chuyên dụng: Nếu hiện nay ta gặp nhiều xe lạnh, xe mát (đủ loại to nhỏ) chở các hàng hóa khác (thực phẩm) thì hầu như không mấy khi gặp lại xe chuyên dụng chở thuốc. Trừ một số nhỏ các CT lớn (TW) có xe vận chuyển thuốc riêng (có thể không phải xe chuyên dụng), còn hầu hết các CT còn lại đều chuyển thuốc bằng hợp đồng với các đơn vị vận tải, gửi thuốc qua xe khách, qua bưu điện. Thậm chí khi đóng gói, có công ty còn tháo dỡ tách riêng thuốc và bao bì bằng giấy ra (nhằm tiết kiệm kiện). Các phương tiện vận chuyển này không mấy khi đảm bảo được điều kiện chung (26oC và 75% độ ẩm) đặc biệt với xe khách, thuốc thường để trên nóc xe.
- Màng lưới phân phối quá manh mún mà các cơ sở nào cũng muốn "mua tận gốc bán tận ngọn" đòi hỏi các nhà phân phối lớn (từ xa như TP.HCM, Hà Nội) phải chuyển thuốc trực tiếp cho mình với một số lượng rất ít (dăm ba kiện, đôi khi chỉ một kiện) nên cho dù có xe riêng chăng nữa thì các nhà phân phối cũng phải chọn cách gửi qua xe tải, xe khách (nhanh, rẻ). Ngay trong một tỉnh có thể dùng xe chuyên dụng cỡ nhỏ chuyển hàng cho các NT, đại lý thì các CT vẫn gửi thuốc theo xe khách hay giao thuốc trực tiếp cho khách hàng tự chuyển bằng xe máy mà khoảng cách từ tuyến tỉnh đến huyện ở các tỉnh lớn cũng không phải là nhỏ (có khi đến 100-200km).
Một số cơ sở không đầy đủ kho thiết bị bảo quản:
Cả nước có 1.336 doanh nghiệp (không kể của nước ngoài), nhưng chỉ có 775 doanh nghiệp đạt GMP, GSP, GDP chiếm 56,51%, có 9.066 NT, nhưng chỉ có 444 đạt GPP chiếm 5%. Nếu coi các nơi chưa đạt GMP, GSP, GDP, GPP là nơi chưa đủ điều kiện bảo quản (hay chưa kiểm tra điều kiện bảo quản) thì có đến 43,49% doanh nghiệp và 95% NT thuộc vào diện này. Chưa kể cả nước có 39.172 quầy bán lẻ (chủ yếu là của các công ty Dược tỉnh, thực tế bán các loại thuốc gần như của NT) đa số không có đủ điều kiện bảo quản (chưa rõ tỷ lệ vì chưa kiểm tra). Mấy năm qua, các doanh nghiệp sản xuất đã thực hiện GMP nên đã căn bản giải quyết vấn đề bảo quản ở khu vực này. Số nơi chưa đạt điều kiện bảo quản hiện nay tập trung chủ yếu ở khâu lưu thông, nổi bật nhất là ở khâu bán lẻ.
Điều cần phải làm
Nếu không có ý thức bảo quản thuốc tốt thì thường ngại, chứ thực ra xây dựng GPP (Pharmacy Practices - Thực hành tốt nhà thuốc) theo chuẩn đã hướng dẫn không đến nỗi quá tốn kém, quá khó khăn. Mà khi đã không có ý thức bảo quản thuốc tốt thì ngay khi đã đạt GPP vẫn có thể làm sai (không cho thiết bị bảo quản hoạt động nhằm tiết kiệm một ít chi phí, trong khi thuốc phải chịu nóng, ẩm, kém chất lượng, gây hậu quả xấu và tốn kém hơn nhiều). |
Thông tư hướng dẫn thực hiện GDP, GPP của Bộ Y tế qui định rất rõ các tiêu chuẩn bảo quản và lộ trình thực hiện. Theo đó đến thời điểm năm 2011 các NT và năm 2013 các quầy thuốc phải đạt thực hành tốt phân phối thuốc. Tuy nhiên từ thực tế, chúng tôi thấy cần có một số ý kiến sau:
Tốc độ xây dựng GDP, GPP đặc biệt GPP rất chậm. tính đến cuối năm 2008 mới có 5%NT đạt GPP, khó kết thúc đạt đúng thời điểm qui định. Đến đó, có thể các cơ sở không đạt GDP, GPP sẽ không được cấp giấy phép, nhưng liệu họ có hoàn toàn dứt bỏ kinh doanh thuốc không hay chuyển sang dạng kinh doanh không có giấy phép (kinh nghiệm cho biết giải thể một công ty không khó, nhưng giải thể một cơ sở bán lẻ là rất khó). Đến lúc đó, cũng có thể có giải pháp tạm thời cho các cơ sở không đạt GPP được bán một số thuốc hạn chế nhưng rất khó thực thi (kinh nghiệm cho biết đề ra danh mục cho các đại lý, quầy thuốc theo trình độ, nhưng khó kiểm tra, thực tế họ vẫn bán gần như NT) hơn nữa ngay cả thuốc OTC thì vẫn cần điều kiện bảo quản tốt (ví dụ các probiotic). Cả hai cách có thể xảy ra sau thời điểm 2011- 2013. Vấn đề bảo quản thuốc bán lẻ vẫn là vấn đề nổi bật nhất. Theo thiển ý của chúng tôi có thể gia hạn trong một thời gian thích hợp cho các CT, NT chưa đạt tiêu chuẩn GDP, GPP nhưng nên coi vấn đề bảo quản thuốc là vấn đề trọng tâm của chất lượng, cần có qui định bắt buộc nhưng thích hợp cho từng loại cơ cở trong khi họ chưa có các điều kiện khác để xây dựng GDP hay GPP ngay (có thể châm chước khi thiếu một số nhỏ diện tích, nhưng nhất thiết không thiếu thiết bị bảo quản).
Có một số người cho rằng xây dựng các yêu cầu bảo quản như các thông tư hướng dẫn thực hành (GPP) thì quá tốn kém, NT có doanh số thấp không đủ lãi để đầu tư. Không đúng vậy. Bưu điện huyện, mỗi lần chỉ thu tiền chục, vẫn có phòng mát làm việc, tại sao NT, mỗi lần bán tiền trăm mà không làm được việc này?
Cần xây dựng mạng lưới phân phối hợp lý (về qui mô, số dân phục vụ). Hiện đăng ký kinh doanh không cần phải khai vốn, chỉ đủ tiền thuê nhà, đủ tiền mua một ít thuốc (có thể công ty mẹ cho nợ) là có thể mở NT, CT khá dễ, nên các cơ sở phân phối, đặc biệt là cơ sở bán lẻ mọc ra như nấm, nhiều năm nay không giảm, mặc dù biết đã thừa. Vì vậy, cần có những tiêu chuẩn chuyên môn chặt chẽ (nhân lực, trình độ, diện tích kho tàng, diện tích quầy, thiết bị bảo quản, vận chuyển) và kiên quyết dùng các tiêu chuẩn ấy, dùng công tác thanh kiểm tra để loại bỏ những cơ sở không đủ tiêu chuẩn cũng như kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở đã đạt tiêu chuẩn GDP, GPP. Hạ thấp tiêu chuẩn (linh động để đạt chỉ tiêu sớm), hay không thanh kiểm tra chặt chẽ, thì cơ sở vẫn manh mún, chẳng những không làm tốt được việc bảo quản của mình mà còn gây khó khăn cho các nhà phân phối lớn (vì phải vận chuyển thuốc ít, manh mún, không thể dùng xe chuyên dụng).
DS. Hà Thủy Phước