Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, chuyên gia an toàn thực phẩm, chống độc khuyến cáo gì?

16-12-2024 10:57 | Y tế

SKĐS - Nhiều bà nội trợ coi chiếc tủ lạnh như “bảo bối” tích trữ nhiều thức ăn để tiết kiệm thời gian không phải đi chợ hằng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia an toàn thực phẩm và dinh dưỡng đều nhấn mạnh: không phải cứ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là không lo bị ngộ độc...

Tủ lạnh là công cụ hữu hiệu để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay một ngăn tủ lạnh chứa đầy thực phẩm sẽ chặn luồng không khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn.

Bên cạnh đó, thực phẩm không được phân loại (thực phẩm sống và thực phẩm chín) hoặc không được sơ chế, không bao gói cẩn thận là nguồn ô nhiễm chéo, gây nhiễm khuẩn thực phẩm. Ngăn tủ lạnh nếu chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, kéo theo nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Thêm vào đó, tủ lạnh chỉ có thể kìm hãm khả năng hoạt động của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn. Thực phẩm nếu lưu trữ trong tủ lạnh quá lâu sẽ không tránh khỏi tính trạng hư hỏng và biến chất. Do đó, thời gian bảo quản thực phẩm an toàn là từ 3-5 ngày.

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, chuyên gia an toàn thực phẩm, chống độc khuyến cáo gì?- Ảnh 1.

Các chuyên gia dinh dưỡng và an toàn thực phẩm lưu ý người dân không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ kém lưu thông dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, bất kỳ thực phẩm nào bảo quản trong tủ lạnh cũng sẽ để được lâu hơn rất nhiều so với để bên ngoài, nhưng không vì thế mà lạm dụng, bảo quản thời gian vô hạn.

Bởi vì bất kể loại thực phẩm nào để trong tủ lạnh quá lâu, thành phần dinh dưỡng cũng bị biến đổi. Thậm chí, thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh không có dấu hiệu ôi thiu nhưng khi chế biến không thể thơm ngon, bảo đảm còn đủ các vitamin, chất dinh dưỡng như lúc tươi sống.

Hơn nữa, nếu để thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu sẽ sinh độc tố, gây hại sức khỏe. Do đó, tốt nhất, mỗi gia đình cố gắng ăn hết sớm, không nên tích trữ và để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh.

Còn theo khuyến cáo của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nhiệt độ bảo quản lạnh chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh; nhiệt độ đông lạnh là -18 độ C có thể làm ngừng sự phát triển của vi khuẩn nhưng vi khuẩn vẫn không bị chết.

Vì vậy, không nên để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ lạnh kém lưu thông dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh. Ngoài ra, nên gói thật kín các thực phẩm chuẩn bị bảo quản đông lạnh, nhất là bảo quản riêng thực phẩm chín và thực phẩm tươi sống, rau củ.

Riêng đối với các sản phẩm từ sữa cần được bảo quản trong hộp kín, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm khác. Với một số loại thực phẩm bao gói sẵn, nhà sản xuất cũng cung cấp thông tin về nhiệt độ bảo quản trên nhãn mác sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng có thể dựa trên những thông tin trên nhãn mác để cất trữ sản phẩm một cách phù hợp. Nếu thực phẩm nghi ngờ bị ôi thiu cần bỏ đi.

Ngoài việc tuân thủ các lưu ý về bảo quản thực phẩm, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trong tủ lạnh thường có hiện tượng đọng đá. Nước đá đọng lại mang vi khuẩn từ những thực phẩm này vô tình sẽ gây lây nhiễm chéo vi khuẩn cho các thực phẩm khác. Chính vì vậy, các bà nội trợ nên chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý người tiêu dùng trước tiên, phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ; Tiếp đến, phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Rất nhiều trường hợp hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng. Ví dụ một sản phẩm yêu cầu bảo quản lạnh nhưng người tiêu dùng không bảo quản đúng, dẫn đến tình trạng còn hạn sử dụng nhưng sản phẩm bị biến chất có thể gây ngộ độc.

Đặc biệt, chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Hiện nay thị trường rất đa dạng, phong phú, nên không nhất thiết tích trữ thực phẩm.

Chi Cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, người dân không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ kém lưu thông dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh; nếu thực phẩm nghi ngờ bị ôi thiu cần bỏ đi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hòa tan trong thịt, một số chất gần như mất hết.

Để bảo quản thức ăn trong tủ lạnh an toàn, các chuyên gia y tế lưu ý, thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm...

Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, công khai để người dân biếtXử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, công khai để người dân biết

SKĐS - Kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho thấy vẫn tồn tại một số mẫu thực phẩm không an toàn, có kết quả xét nghiệm vượt giới hạn tối đa cho phép...

Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn