Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất cho trẻ
Bú mẹ là cách tốt nhất và an toàn nhất để nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã khuyến cáo tất cả các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Dù ý thức được tầm quan trọng của sữa mẹ nhưng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, tỷ lệ này được ước tính là 22,7% năm 2015 và 45,4% năm 2020 theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng. Đây là con số đáng lo ngại và chính điều này trở thành nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng to lớn tới mầm non tương lai của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo WHO, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Cùng với đó, sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, việc cho con bú mẹ thường xuyên còn giúp cải thiện tâm lý cho bà mẹ và trẻ, giúp người mẹ phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ béo phì và bệnh mạn tính cho trẻ sau này.
Sữa mẹ được tạo ra trong những tháng cuối của thời kỳ mang thai và được tiết ra sớm ngay sau khi sinh. Do vậy cần cho con bú sớm trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau khi sinh, điều này sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh.
Nuôi con bằng sữa mẹ là việc cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời. Trong thời gian đó, mẹ không cần bổ sung thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác, kể cả việc uống nước. Từ 6 tháng tuổi trở đi, vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp với việc ăn dặm đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng cường dinh dưỡng. Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế, tình trạng sức khỏe của trẻ mà mẹ có thể tiếp tục cho bú tới 24 tháng tuổi rồi tiến hành cai sữa.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ và sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Vắt và trữ sữa mẹ đúng cách
Trước khi vắt sữa mẹ: Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Các mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa bằng tay hoặc bằng điện. Nếu sử dụng máy hút sữa, hãy kiểm tra các bộ phận máy hút và đường ống đảm bảo sạch sẽ. Thay thế các ống dây hút đã bị bẩn, mốc. Nếu sử dụng chung máy hút sữa tại cơ quan/ văn phòng làm việc: hãy lau sạch mặt đồng hồ máy hút, công tắc nguồn và mặt bàn bằng khăn lau khử trùng.
Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt sữa: Sử dụng túi trữ sữa mẹ hoặc hộp đựng thực phẩm sạch để đựng sữa mẹ đã vắt ra. Nên dùng hộp đựng được làm bằng thủy tinh hoặc nhựa và có nắp đậy kín. Tránh các loại chai/ túi có ký hiệu tái chế số 7 (Bisphenol-A), biểu tượng này cho thấy rằng vật chứa có thể được làm bằng nhựa có chứa BPA. Không bảo quản sữa mẹ trong túi nhựa không dùng để đựng sữa mẹ.
Cách vắt sữa bằng tay: Chọn cốc/ly có miệng rộng: rửa cốc bằng xà phòng và nước sạch. Đổ nước sôi vào cốc, khi nào vắt thì đổ nước đi. Rửa tay trước khi vắt sữa; Mẹ ngồi hoặc đứng một cách thoải mái và hứng cốc kề sát vú; Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ và các ngón tay khác phía dưới vú và quầng vú, đối diện với ngón tay cái.
Thực hiện các động tác sau: Ấn vào thành ngực bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ ấn một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. ÉP phía sau núm vú và quầng vú. Ép vào rồi thả ra nhiều lần các xoang sữa ở trong quầng thâm của vú. Xoay ấn xung quanh quầng vú tương tự ở nhiều phía để vắt được sữa từ toàn bộ vú. Không ấn vào núm vú. Vắt từng bên tối thiểu từ 3 - 5 phút (khi sữa chảy chậm lại thì chuyển bên kia), sau đó vắt cả hai bên. Cần 20 - 30 phút để vắt sữa, đặc biệt trong một vài ngày đầu khi sữa chưa về nhiều.
Bảo quản sữa mẹ: Những trường hợp cần vắt sữa cho trẻ uống để lại sữa cho con khi mẹ đi làm; Nuôi trẻ nhẹ cân, không thể bú mẹ được; Nuôi trẻ bệnh, không thể bú được; Duy trì nguồn sữa mẹ khi bà mẹ hoặc trẻ bị ốm; Giúp trẻ ngậm bắt vú dễ hơn khi bầu vú căng đầy; Giúp cải thiện tình trạng cương tức vú; Khi căng sữa mà mẹ đang không ở gần nhà để cho con bú được (đi làm...).
Cách bảo quản: Bình chứa nên làm bằng thủy tinh hoặc nhựa cứng có nắp đậy kín. Chỉ để từ 60 - 120ml sữa trong bình chứa (lượng sữa trẻ thường bú trong một bữa bú) để tránh nhiễm bẩn khi san sẻ và lãng phí nếu trẻ không bú hết.
Nếu để sữa trong ngăn đá tủ lạnh: Không nên đổ đầy sữa vào bình, để lại một khoảng trống nhỏ vì sữa đông lạnh chiếm nhiều thể tích hơn sữa lỏng. Làm nóng sữa bảo quản bằng cách ngâm bình sữa vào nước nóng hoặc dội nước nóng xung quanh bình sữa. Không đun sôi sữa, không làm nóng sữa bằng lò vi sóng
Bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng tốt nhất là 4 tiếng, có thể để từ 6-8 tiếng ở nhiệt độ 19-26 độ C. Trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được 3 -8 ngày ở nhiệt độ dưới 4 độ C và trong ngăn đá tủ lạnh là 6-12 tháng ở nhiệt độ -12 đến -18 độ C.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc bảo quản sữa mẹ càng lâu - cho dù trong tủ lạnh hay trong tủ đông thì lượng vitamin C trong sữa bị mất đi càng nhiều. Điều quan trọng cần lưu ý nữa là dinh dưỡng trong sữa mẹ luôn thay đổi để đáp ứng nhu cầu của em bé. Sữa mẹ được vắt ra khi trẻ mới sinh sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ vài tháng tuổi. Ngoài ra, hướng dẫn bảo quản có thể khác nhau đối với trẻ sinh non hoặc nhập viện.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sản phụ nguy kịch, tinh thần hoảng loạn vì sa toàn bộ dây rốn ra ngoài | SKĐS