Tiếp nối thứ tài sản văn hóa quý giá do cha ông từ ngàn đời để lại cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự đặt ra một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và gian khổ: bảo quản hiện vật trong bảo tàng, di tích. Nếu vài chục năm trước, công tác bảo quản hiện vật chỉ đơn thuần là giữ gìn hiện vật và áp dụng một số biện pháp bảo quản thủ công, với trang thiết bị thô sơ như dùng gạo rang, vôi củ, viên chống ẩm silicagen, dùng dầu luyn để lau gỉ kim loại, thì nay, trang thiết bị phục vụ công tác bảo quản hiện vật được giới chuyên môn nhận định là còn rất nhiều việc phải bàn.
Nỗi lo nấm mốc, sâu bọ
Nhắc đến công tác bảo quản hiện vật trong bảo tàng, di tích, hẳn là những người có trách nhiệm sẽ nghĩ ngay đến “tác nhân” chủ yếu khiến các hiện vật hư hỏng nặng, đó chính là khí hậu khắc nghiệt và thời tiết diễn biến rất phức tạp ở nước ta. Sâu bọ, nấm mốc là “sản phẩm” đặc trưng của khí hậu nhiệt đới, chúng có thể tàn phá hoàn toàn một di tích cũng như các hiện vật...
Công tác bảo quản, phục chế hiện vật trong các bảo tàng, di tích hiện còn nhiều việc phải làm.
Miền Bắc có hai mùa rõ rệt, mùa hè nóng và ẩm ướt, mùa đông lạnh và khô. Chen vào những ngày khô lạnh của mùa đông còn có những ngày nồm và ẩm ướt. Các hiện vật trong bảo tàng tồn tại trong điều kiện môi trường khí hậu như vậy và dĩ nhiên các hiện vật thuộc di tích cũng cùng chung môi trường này. Sự phá hủy của nấm mốc tuy không “rào rào” như sâu bọ nhưng nguy hiểm cũng không kém. Nấm mốc có thể phá hủy màu sắc của các hiện vật. Đáng ngại hơn là cùng với các yếu tố khí hậu khác, nấm mốc cũng góp phần làm bong tróc các lớp sơn thếp của hiện vật.
Có thể nói, nấm mốc, vi khuẩn, sâu bọ... là những “kẻ thù” đáng sợ nhất của hiện vật, đặc biệt là những hiện vật bằng gỗ. Các hiện vật gỗ có kích thước lớn thường được làm từ nhiều khối gỗ ghép lại. Chúng được ghép lại với nhau bởi các mộng, sau đó dùng sơn ta trộn với mạt cưa hoặc bột đá để gắn các khe hở của các chỗ nối với nhau, cuối cùng là những phần việc của sơn thếp. Nếu không vì một lý do nào đó, hiện vật bị hư hỏng thì người ta khó mà hình dung được việc lắp ghép tài tình của những người thợ xưa. Những pho tượng bị bong tróc sơn, các vết ghép bị nứt rời (thân tượng và bệ tượng hoặc tay tượng và thân tượng tách rời nhau) làm cho hiện vật bị biến dạng cũng là hiện tượng thường thấy ở nhiều di tích hiện nay.
Ngoài điều kiện thời tiết, có lẽ chúng ta cũng cần bàn thêm đôi chút về vấn đề quản lý. Hiện vật được trưng bày tại bảo tàng được một đội ngũ cán bộ có chuyên môn, có phương tiện kỹ thuật nhất định và có nhà kho được khống chế nhiệt độ, độ ẩm thực hiện chế độ bảo quản thường xuyên. Nhưng hiện vật tại di tích thì phần nhiều là do các cụ cao tuổi ở địa phương trông nom, họ không có bất cứ phương tiện và kiến thức bảo quản hiện đại nào để bảo quản hiện vật.
Bảo quản, phục chế ra sao?
Để khắc phục tình trạng trên nhằm kéo dài tuổi thọ hiện vật cũng như đảm bảo chất lượng hiện vật khi đưa ra trưng bày phục vụ người xem, công tác bảo quản và phục chế hiện vật luôn được các nhà quản lý chú trọng. Và công tác này cũng có những quy luật hết sức nghiêm ngặt: Với những hiện vật trong kho luôn được bảo dưỡng, duy tu định kỳ hằng tháng với các phương pháp khác nhau phụ thuộc vào chất liệu và tình trạng hiện vật; với những hiện vật mới được sưu tầm, sau khi phân loại, kiểm kê là cả một quá trình phức tạp, tỉ mỉ từ việc phân tích, đánh giá hiện trạng hiện vật đến lau chùi, bảo quản sơ bộ, bảo quản bằng hóa chất, thẩm định hiện vật; nhiều hiện vật sưu tầm bị chôn vùi nhiều năm đất đá, bụi bẩn, tạp chất làm biến hóa tính chất hiện vật phải mất nhiều ngày loại bỏ, phục chế mới cải tạo được tình trạng hiện vật, đảm bảo yêu cầu lưu giữ hoặc trưng bày.
Các hiện vật trưng bày là những hiện vật tiêu biểu, được chọn lựa kỹ càng không những đảm bảo chất lượng mà còn phải mang tính thẩm mỹ và được đầu tư trang thiết bị hiện đại hỗ trợ việc bảo quản như điều hòa nhiệt độ để điều chỉnh môi trường, tủ chống ẩm dành cho các hiện vật được ưu tiên, hệ thống camera theo dõi, giám sát. Một số lượng hiện vật không nhỏ tại các điểm di tích ngoài trời, chủ yếu bằng gỗ, thạch cao và kim loại cũng thường xuyên được kiểm tra, bảo quản kịp thời, có khả năng chống chọi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nhưng chứng kiến sự bào mòn của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, các nhà nghiên cứu không khỏi xót xa trước sự “tan rã” của nhiều hiện vật, đặc biệt là hiện vật bằng gỗ. Đối với những hiện vật này, giới chuyên môn cũng đưa ra những nguyên tắc trong bảo quản, tu bổ: Một là, ưu tiên sử dụng vật liệu truyền thống và phương pháp truyền thống; Hai là, việc bảo quản, tu bổ cần bảo đảm giữ gìn hình dáng ban đầu của hiện vật; Ba là, việc bảo quản, tu bổ cần bảo đảm giữ gìn màu sắc ban đầu của hiện vật; Bốn là, việc bảo quản, tu bổ hiện vật phải thực hiện trên cơ sở điều tra khoa học kỹ lưỡng. Tuy vậy, công tác bảo quản hiện vật vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Dễ dàng nhận thấy, nguồn nhân lực dành cho công tác này còn thiếu, đội ngũ cán bộ chuyên trách số ít được đào tạo về chuyên ngành bảo tàng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong điều kiện đòi hỏi cần có các kỹ sư chuyên ngành hóa chất. Cũng chính vì vậy các hóa chất được sử dụng trong quá trình phục chế, bảo quản chủ yếu là chất đơn giản, dễ thực hiện và được làm thủ công. Nhiều hiện vật còn chưa có phương pháp sửa chữa, cải tạo như hiện vật bằng giấy, ảnh, nhôm mà chỉ tiếp tục bảo quản để không hư hỏng thêm. Trong khi đó số lượng hiện vật được sưu tầm ngày càng nhiều, tăng thêm hằng năm thì với điều kiện cơ sở vật chất, kho, xưởng, thiết bị cũng cần được đầu tư, mở rộng nhằm đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cần thiết để bảo quản hiện vật vĩnh cửu.
So với công nghệ bảo quản hiện vật trong bảo tàng của các nước bạn thì có thể thấy hệ thống bảo tàng của ta còn nghèo nàn, chủ yếu là do kinh phí hạn hẹp. Tất nhiên, kinh phí là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là tất cả, vì ngoài kinh phí, còn nhiều yếu tố khác, trong đó không thể không kể đến trình độ, tư duy của người làm công tác bảo tàng. Nếu coi con người là yếu tố quyết định quan trọng, thì có lẽ hoạt động bảo tàng ở ta thường yếu về tổ chức, quản lý, vận hành, làm cho thực trạng phát triển chậm hơn so với xu hướng của các bảo tàng trong khu vực và quốc tế.