Đồ điện tử không dùng cũng nên bật
Miền Bắc đang trải qua những ngày nồm ẩm. Độ ẩm vào những tháng này thường xuyên ở mức khoảng 85 - 90%, rất có hại cho hầu hết các thiết bị điện tử vốn nhạy cảm với sự ẩm ướt do dễ bị hỏng hóc vi mạch, lỗi phóng điện chập cháy, các chi tiết kim loại cũng bị gỉ sét ăn mòn.
Theo các chuyên gia, trong các thiết bị điện tử thì tivi là một trong số các thiết bị dễ bị ảnh hưởng nhất. Sở dĩ như vậy là bởi vì diện tích tiếp xúc với không khí của tivi thường cao hơn so với các thiết bị khác.
Chưa kể, tivi thường được kê sát tường, trên kệ, tủ, hoặc đặt trực tiếp lên sàn nhà. Điều đó sẽ khiến tivi tích tụ nhiều hơi ẩm, thậm chí tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước tạo thành từ hơi ẩm. Điều đó có thể dẫn tới các "bệnh" thường gặp như suy giảm chất lượng hình ảnh, nhòe hình, nhiễu thường xuyên, bật lâu không lên,...
Bên cạnh tivi, các loại loa, amply, nhất là loa máy tính, cũng dễ bị hỏng hóc, "chập cheng" do độ ẩm cao. Khi gặp môi trường ẩm ướt, các giọt nước li ti bắt đầu xuất hiện trên vi mạch, trên màng loa, gây nhiễu tiếng. Với một số thiết bị đặc thù như ống kính máy ảnh thì ẩm có thể gây mốc, suy giảm chất lượng ảnh chụp.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, để ngăn ngừa độ ẩm cao làm hỏng thiết bị điện tử, các thiết bị điện tử, đặc biệt là loa đài, tivi, máy tính để bàn cần tránh đặt trực tiếp xuống sàn nhà (đặc biệt với sàn gạch) hoặc quá sát tường. Nếu không dùng đến nên đặt ở các khu vực ít ẩm nhất trong nhà, thường là trên các tầng cao. Tivi, loa đài nên được bật thường xuyên để các linh kiện không bị ẩm mốc mà sinh ra chập, cháy.
Các đầu giắc cắm, các khớp nối kim loại hay ốc vít đều là những vị trí rất dễ bị nồm ẩm gây gỉ sét nên cần được lau khô thường xuyên. Nếu đã bị gỉ thì cần dùng giẻ có thấm cồn để lau sạch. Với các loại thiết bị có nắp đậy và dễ dàng tháo lắp thì có thể mở ra và dùng máy sấy thổi khô (chỉ sử dụng ở mức sấy nhẹ tránh gây nóng hỏng mạch). Các thiết bị điện tử nhỏ có thể bỏ vào hộp kèm gói hút ẩm, hộp hút ẩm có giá khoảng vài trăm nghìn đồng hoặc các loại tủ chống ẩm chuyên dụng.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, nguyên cán bộ Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, trời nồm, ẩm các thiết bị điện tử rất dễ bị ẩm, các tụ điện trở và linh kiện trong mạch điện bị hỏng hóc do các chi tiết kim loại bị ăn mòn. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng chập điện, cháy nổ.
Trong ngày nồm ẩm, các thiết bị điện tử dù không dùng đến cũng vẫn bật, ít nhất một lần/ngày và cắm điện ở chế độ chờ. Những thiết bị lâu ngày không dùng đến thì không nên bật ngay, mà dùng máy sấy tóc hoặc điều hòa làm khô, chờ khi thiết bị nguội (nếu dùng máy sấy tóc) thì mới bật. Đây cũng là lưu ý đặc biệt quan trọng với những thiết bị như tivi, ampli... Nếu không dùng có thể mở và để ở chế độ chờ Standby (tắt bằng điều khiển chứ không tắt hẳn bằng nút cứng trên thiết bị).
Việc này có thể thực hiện tương tự với các loại thiết bị khác như điện thoại, máy tính bảng hay máy tính thông thường bởi đây là những thiết bị thường sử dụng bảng mạch rất nhỏ nên tiết trời nồng ẩm dễ gây nguy hại hơn.
Dùng giấm hạn chế nấm mốc
Theo các chuyên gia, mỗi thiết bị điện tử sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Nhưng về cơ bản, người dùng nên hạn chế độ ẩm trong căn phòng bằng cách hạn chế mở cửa sổ, cửa ra ban công, cửa hành lang... để hạn chế không khí ẩm.
Nếu như mở cửa, thì phải mở cả cửa trước lẫn cửa sau. Chẳng hạn, mở cửa chính thì phải mở cả cửa phụ hoặc mở cửa sổ. Điều này giúp không khí từ bên ngoài vào nhà bằng một cửa nhưng cũng tạo cơ hội cho không khí từ trong nhà thoát ra bằng một cửa khác.
Đối với các thiết bị nhỏ như máy ảnh, ống kính, thiết bị cầm tay, nên có hệ thống hút ẩm như tủ chống ẩm, hộp chống ẩm hoặc cho thiết bị vào thùng kín với cục hút ẩm, hoặc thắp sáng liên tục bằng một bóng đèn sợi đốt để sấy thiết bị.
Để hút ẩm hiệu quả, các gia đình cũng có thể sử dụng một số vật liệu hút ẩm tự nhiên đối với những căn phòng diện tích nhỏ như vôi sống, than củi đựng vào thùng gỗ hoặc thùng giấy rồi đặt dưới gầm giường hoặc góc phòng sẽ giúp nhà cửa khô thoáng hơn.
Một trong những rủi ro sức khỏe trong những ngày nồm ẩm là nấm mốc. Khi hít phải nấm mốc, cơ thể sẽ phản ứng tương tự như khi hít phải bụi hoặc phấn hoa. GS.TSKH Dương Đức Tiến, chuyên gia về công nghệ sinh học khuyên, về nguyên tắc, không có nước đọng thì sẽ không có nấm mốc. Để tránh nấm mốc, mọi người cần lau sạch ngay những chỗ có nước ngưng tụ. Bật quạt thông gió làm thông hơi ra ngoài. Đối với nấm mốc đã phát triển nhiều, khi lau dọn để loại bỏ những chỗ nấm mốc cần phải cẩn thận tránh tiếp xúc trực tiếp đến các mảng mốc. Nên dùng găng tay và khẩu trang khi lau chùi nấm mốc.
Theo GS Tiến, nếu nhà có trẻ con thì nên cho trẻ ra ngoài trong thời gian lau dọn, tránh nấm mốc ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể dùng giấm ăn để xử lý. Cho giấm ăn vào bình xịt, đeo găng tay để giấm không ảnh hưởng đến da tay. Phun giấm lên những nơi bị nấm mốc, dùng bàn chải cứng đánh thật sạch và lấy khăn khô lau cho đến khi không còn dấu vết của nấm mốc.
"Hoặc cũng có thể thay thế giấm ăn bằng tinh dầu trà xanh để xịt và làm sạch nấm mốc, nhưng loại này có giá thành cao và khó tìm mua hơn giấm. Để phòng tránh nấm phát triển thì nên lau khô những khu vực ẩm ướt như nhà tắm", GS Tiến nói.
Một số điều hòa hiện nay có chế độ khô hút ẩm, có thể bật điều hòa định kỳ để phòng trong nhà luôn trong tình trạng khô ráo. Ngoài ra, với các thiết bị điện tử nhỏ có thể bỏ vào hộp kèm gói hút ẩm, hộp hút ẩm có giá khoảng vài trăm nghìn đồng hoặc các loại tủ chống ẩm chuyên dụng với nhiều kích cỡ giá từ hơn một triệu đồng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cậu Bé 14 Tuổi Bị Đột Quỵ Dẫn Đến Nguy Kịch