Hà Nội

“Bão mặt trời” đến từ xứ kim chi?

09-04-2016 10:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bộ phim truyền hình ở xứ sở kim chi 16 tập mang cái tên đầy chất thơ Hậu duệ mặt trời như “cơn bão” lớn tràn qua nhiều nước châu Á.

Bộ phim truyền hình ở xứ sở kim chi 16 tập mang cái tên đầy chất thơ Hậu duệ mặt trời như “cơn bão” lớn tràn qua nhiều nước châu Á. Ðài truyền hình KBS (Hàn Quốc) thông báo rằng đã có 27 quốc gia mua bản quyền phát sóng chính thức bộ phim này và không ít khán giả ngây ngất nghiêng ngả dõi theo diễn xuất của “soái ca” Song Joong Ki (đóng vai đại úy Yoo Shi Jin) với “ngọc nữ” Song Hye Kyo (đóng vai bác sĩ Kang Mo Yeon).

Theo số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu truyền thông AGB Nielsen Hàn Quốc thì rating của Hậu duệ mặt trời đạt 33% con số người xem trên toàn quốc ở tập 12 trong khi trước đó mấy năm bộ phim cũng được coi là khủng của nước này Vì sao đưa anh tới có rating cao nhất mới đạt 28,1%. Người ta không ngần ngại gọi Hậu duệ mặt trời là “quả bom tấn” khủng nhất của truyền hình Hàn Quốc trong 5 năm trở lại đây.

Điều thú vị là Hậu duệ mặt trời không chỉ thu hút đông đảo công chúng bình dân mà đến đôi ba vị nguyên thủ quốc gia cũng phải ngất ngây vì nó. Nói có sách mách có chứng nhé! Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye khen bộ phim có “Nội dung văn hóa tốt. Nó không chỉ tạo ra các giá trị văn hóa và kinh tế mà còn góp phần vào cuộc tái sinh ngành du lịch” và bà cho rằng Hậu duệ mặt trời có tác dụng giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Hàn Quốc. Không thua kém gì nữ Tổng thống xứ kim chi, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng chẳng giấu giếm sự thích thú của mình và khuyên dân chúng đất nước Chùa Tháp nên xem Hậu duệ mặt trời.

Cảnh trong phim Hậu duệ mặt trời.

Công chúng Việt Nam thì có khen, có chê bộ phim này nhưng khen chê gì cũng đều phải dán mắt vào màn ảnh nhỏ theo dõi nó và cái hội chứng Hậu duệ mặt trời cũng đã kịp len lỏi vào đời sống của khán giả nước ta. Có người vì mê anh chàng đại úy xinh giai, lợi khẩu, dũng cảm, khôn khéo, có phần liều mạng và tưng tửng Yoo Shi Jin nên đã không ngần ngại khoác lên mình (cả ở hai thế giới thực và ảo) bộ quân phục Hàn Quốc. Và không phải không có người thấy chướng tai gai mắt vì hình ảnh đó. Trên facebook đã có những cuộc tranh luận về hiện tượng này và quá khứ làm lính chư hầu cho Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam của thế hệ ông cha Yoo Shi Jin đã bị chỉ trích phê phán một cách gay gắt. Phía nào cũng có lý lẽ của mình cả. Tuy nhiên...

Những gì nằm trong mấy dấu chấm lửng sau từ “tuy nhiên” ấy, tôi sẽ trình bày sau theo góc nhìn của mình. Trước hết, tôi muốn cùng các bạn nhìn thẳng vào Hậu duệ mặt trời xem nó hay dở thế nào và có thật sự là một bộ phim truyền hình “bất hủ” như ai đó đã quảng cáo không. Theo tôi, Hậu duệ mặt trời là sự pha trộn khéo léo giữa kiểu phim tình cảm với phim hành động và phim hài hước. Sự pha trộn ấy tạo ra nhiều dư vị, hương sắc khác nhau để chiều lòng các dạng người xem. Phải nói rằng những người làm phim đã biết dọn lên một bữa tiệc tuy không có những món độc đáo, mới lạ nhưng rất biết bày biện nhiều thực phần màu mè phục vụ cho đa khẩu vị. Không ngoái lại dĩ vãng nhiều, cũng chưa hướng tới tương lai mấy, câu chuyện phim, bối cảnh phim là của hiện tại trong thời đại xung đột và hòa hợp, chiến tranh và hòa bình, cạnh tranh và hợp tác, văn minh và lạc hậu... đan xen nhau. Cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác cũng mang tính toàn cầu. Lòng yêu nước của mỗi công dân gắn liền với ứng xử của con người trong thế giới phẳng. Lòng yêu nước bao la và lòng yêu nước chật hẹp cùng tồn tại. Bao nhiêu toan tính cũng phát xuất từ đó và hình như nó luôn được ngụy trang, được bảo hiểm dưới tinh thần dân tộc, nghĩa vụ với quốc gia. Bối cảnh phim chủ yếu diễn ra ở đất nước Uruk nơi có nhiều phong cảnh đẹp nhưng bị chiến tranh, đói nghèo, thiên tai và dịch bệnh hoành hành.

Sợi dây xuyên suốt nội dung phim là mối quan hệ tình cảm giữa đại úy Yoo Shi Jin, sĩ quan quân đội Hàn Quốc đang làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình của Liên hợp quốc với nữ bác sĩ Kang Mo Yeon. Đấy là mối quan hệ của cặp đôi trai gái tài sắc từ chỗ “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” như Nguyễn Du miêu tả trong Truyện Kiều từ mấy trăm năm trước đến vượt qua sự bí ẩn từ hai phía để yêu nhau tha thiết. Mọi cung bậc, trạng thái tình cảm lứa đôi được diễn ra trong 16 tập phim có tiết tấu hết sức chậm rãi, dềnh dàng và không hề kiệm lời thoại chút nào.

Mẫu nhân vật nam chính, đại úy Yoo Shi Jin theo tôi không thoát ra khỏi kiểu người hùng quen thuộc trong phim hành động của Mỹ. Đó là kiểu người phi thường, hội đủ tài sức để vượt qua được mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù. Một dạng siêu nhân bằng xương, bằng thịt có thể chuyển khó thành dễ, chuyển bại thành thắng. Không có trở ngại nào ngăn được bước tiến của các trang hào kiệt thời hiện đại như thế. Kiểu nhân vật này rất dễ trở thành thần tượng của thanh niên, và không chờ lâu lắm bị phái đẹp biến thành người tình trong mộng của mình. Chỉ khác là người hùng trong Hậu duệ mặt trời - chàng sĩ quan mang quốc tịch xứ kim chi không cao to vạm vỡ, khuôn mặt cũng chẳng hề góc cạnh, hầm hố, cơ bắp không rắn chắc cuồn cuộn, trái lại có gì đó khá thư sinh mai mảnh. Chàng sĩ quan có khuôn mặt thanh tú, chiếc mũi dọc dừa, đặc biệt là đôi mắt một mí rất gợi cảm ấy vừa dũng mãnh, vừa trí tuệ biết bao. Đại úy Yoo Shi Jin biết phát ngôn những câu nghiêm ngắn đầy chất nhân văn như: Tôi có nguyên tắc sống là bảo vệ người cao tuổi, trẻ em và người đẹp nhưng cũng biết đưa đẩy bông đùa tinh tế: Cách duy nhất đối phó với bom là đi từ từ. Cứ thong thả, có thể vừa đi vừa ngắm bóng lưng gợi cảm của tôi hay: Tôi sẽ bịt miệng em lại bằng cách lãng mạn... (lời thoại với bác sĩ Kang Mo Yeon). Một sĩ quan đặc nhiệm vừa dũng cảm, thông minh vừa hào hoa phong nhã như thế qua diễn xuất của diễn viên nổi tiếng Song Joong Ki rất dễ làm xiêu lòng một nửa thế giới. Và thực tế, cơn bão kép mang tên Song Joong Ki - Hậu duệ mặt trời đã có hoàn lưu khá rộng lớn và mạnh mẽ. Có những quý cô, quý bà đã mất ăn, mất ngủ vì chàng đại úy đặc nhiệm này. Có lẽ vì thế mà Trung Quốc đã cấm quảng cáo Hậu duệ mặt trời vì sợ ảnh hưởng tiêu cực của nó vào các gia đình. Ở nước ta, không biết có cặp vợ chồng hay tình yêu nào bị xung đột, nứt rạn hay ít nhất là cãi cọ nhau bởi anh chàng Yoo Shi Jin chưa? Nếu có, thì lời khuyên của tôi là “Thần tượng dù chói sáng đến mấy cũng không thay thế được cuộc đời thật của bạn. Chớ đày đọa trái tim và thân xác quý giá của mình bởi những thần tượng hào nhoáng diệu ảo kia”.

Bởi lẽ, đường bay nào cũng cần nơi đậu. Sống thật với những gì mình có mới vững bền. Tình yêu cũng vậy, thần tượng không thay thế được người thân của mình, càng không phải là ta nên cần phải tỉnh táo mặc định giới hạn. Hiện tượng tôn vinh thần tượng thái quá chứng tỏ tâm hồn mình chưa đủ độ miễn dịch để đề kháng với những tác động lưỡng diện ập đến từ bên ngoài.

Mặt khác, nếu chịu khó ngẫm suy kỹ càng một chút thì ta sẽ thấy Hậu duệ mặt trời có ý ngầm “khoe” tính nổi trội của con người Hàn Quốc. Những quân nhân khỏe mạnh sức vóc, dũng mãnh, tài trí. Những cô gái xinh đẹp, thông minh, nhân hậu, chung tình. Có cái gì đó hơi quá lên chăng? Nên phim có những cảnh huống “bịa” thật khó chịu, thiếu tính hợp lý. Có lẽ vì thế khi xem phim có người đã dị ứng với cái giả có những lúc khá lộ liễu đó. Công bằng mà nói, phim Hậu duệ mặt trời không có chiều sâu, thiếu những cảnh huống, nhân vật làm ta thực sự rưng rưng xúc động, may mà nhờ cốt truyện dễ hiểu, dàn diễn viên đẹp, trộn lẫn nhiều dư vị thu hút người xem.

Cuối cùng xin trở lại với dấu chấm lửng như đã nói ở trên. Các bạn có thể phê phán kiểu suy tôn thần tượng thái quá của một số người khi xem phim Hậu duệ mặt trời như tạo ảnh mình trong bộ quân phục của chàng đại úy Yoo Shi Jin mang nhưng chớ lấy quá khứ để khơi gợi hận thù. Số phận dân tộc mình đã phải đương đầu với những kẻ thù lớn đến từ phương Bắc, Đông Bắc và phương Tây. Trung Quốc, Pháp, Nhật, Mỹ... là những nước từng đặt dấu giày viễn chinh lên dải đất cong cong hình chữ S này. Đã có những đội quân chư hầu của một số nước trong đó có Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam. Lịch sử đã xảy ra như thế và không ai viết lại được lịch sử. Chúng ta không bao giờ quên dĩ vãng mà chỉ chủ trương khép lại quá khứ để hướng về tương lai. Sau những năm chiến tranh khốc liệt, dân tộc ta muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng nhau để cùng chung sống hòa bình và phát triển. Vậy thì những lời lẽ quá khích, khơi dòng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan trên mạng xã hội là hoàn toàn không thế chấp nhận được.

Chúng ta nên coi Hậu duệ mặt trời cũng chỉ là một bộ phim mang tính giải trí mà thôi. Nó cũng chỉ là “nồi lẩu thập cẩm” hấp dẫn trộn lẫn sắc vị của phim hành động và phim hài. Nếu không có Song Joong Ki và Song Hye Kyo vào các vai chính chắc Hậu duệ mặt trời khó tạo nên cơn bão truyền hình ở châu Á như thời gian qua.


Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến của bạn