Bạo lực tuổi teen: Báo động đỏ

07-11-2016 08:27 | Đời sống
google news

SKĐS - Thời gian qua, tình trạng bạo lực tuổi học đường liên tiếp xảy ra ở một số địa phương, làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, môi trường xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian qua, tình trạng bạo lực tuổi học đường liên tiếp xảy ra ở một số địa phương, làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, môi trường xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Không quá khi nói rằng, bạo lực học đường đang len lỏi quá sâu vào các trường học khiến phụ huynh, nhà trường đau xót,...

Nguy hại sở thích đánh nhau rồi... chia sẻ lên mạng xã hội

Trong tháng 10 vừa qua, nhiều clip đánh hội đồng bạn liên tiếp được chia sẻ trên mạng xã hội. Cụ thể, vào ngày 18/10, cộng đồng mạng giật mình khi xem clip ghi lại cảnh ba nữ sinh đánh nhau quyết liệt. Trong clip, một nữ sinh đã bị hai nữ sinh khác đánh “hội đồng” trong sự kháng cự yếu ớt. Vài ngày sau, lãnh đạo Trường THCS Lê Lợi (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, Đăk Lăk) xác nhận ba nữ sinh đánh nhau xuất hiện trên mạng xã hội ngày 18/10 là học sinh của trường. Trước đó, vào ngày 4/10, một đoạn clip xuất hiện trên Facebook ghi lại hình ảnh 6 học sinh Trường THCS xã Quỳnh Long lao vào đánh hội đồng 2 nữ học sinh THCS xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An rất dã man. Trong clip 6 nữ sinh vừa cười cợt hả hê vừa đấm, đá, rồi nhóm người này còn sử dụng dép tát nhiều cái vào mặt, đầu, toàn thân 2 nữ sinh một cách túi bụi, không ghê tay. Liên quan đến bạo lực học đường, ngày 30/10, công an huyện Nhà Bè, TP. HCM cho biết, đã cho gọi 14 người liên quan (cùng phụ huynh) đến clip đánh bạn rồi bắt liếm chân, châm thuốc vào lòng bàn tay được đăng tải trên mạng, gây phẫn nộ trong dư luận.

bao lucBạo lực học đường ngày càng gia tăng về số vụ và hậu quả.

Đặc biệt, đau lòng nhất là cái chết của em Quang Huy (15 tuổi) ở Yên Bái. Cũng xuất phát từ bạo lực học đường, cậu học sinh cấp 2 đã tự tử sau khi clip em bị đánh, bắt quỳ giữa đường trước mặt bạn bè lan truyền trên mạng. Điều đáng buồn là khi chứng kiến ẩu đả, nhiều học sinh đứng ngoài xem, cổ vũ, rồi rút điện thoại quay clip với thái độ khoái trá vì sắp có clip “hot” được tung lên mạng.

Tiềm ẩn nguy cơ hình thành tội phạm

Xót xa về tình trạng bạo lực học đường hiện nay, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, chủ yếu các cháu ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ cấp tiểu học, trung học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do gia đình không quan tâm con cái; nhà trường thiếu trách nhiệm, không quan tâm, để các cháu muốn làm gì các cháu làm;... Có thể thấy rằng, bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hình thành tội phạm trong tương lai. Mặc dù đây là bộc phát nhưng nếu chúng ta không có giải pháp để ngăn chặn hoặc giải quyết cụ thể dẫn đến các cháu sẽ tiếp tục thực hiện các hành vi bạo lực. Khi sự việc nghiêm trọng, chúng ta lại buộc các cháu phải thôi học hoặc là bỏ học, thì nguy cơ để các cháu đi vào con đường phạm pháp vẫn rất là lớn. Hoặc khi các cháu đã đi vào những trò chơi rồi, không may các cháu sử dụng các loại chất kích thích hoặc cần phải tiêu tiền, khi không làm được ra tiền thì các cháu buộc phải có tiền và sinh ra ăn trộm, ăn cắp rồi phạm tội hơn nữa.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, trong phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Hưng Yên) bức xúc nói: Bạo lực học đường đang là vấn nạn của xã hội. Tình trạng bạo lực ở lứa tuổi vị thành niên ngày một gia tăng theo trào lưu. Đưa ra giải pháp trước mắt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc kiến nghị với Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành có sự đầu tư thỏa đáng, thắt chặt an ninh mạng, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin trang mạng, trang quảng cáo chứa nội dung không lành mạnh, những trò chơi bạo lực tràn lan, những nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo thế hệ trẻ suy đồi đạo đức. Khi phát hiện ra những đối tượng vi phạm cần có chế tài nghiêm khắc xử lý và răn đe, có như vậy mới hạn chế tối đa được những hiểm họa tiềm ẩn xung quanh học sinh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để định hướng và hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Các cơ quan quản lý nhà nước nên mạnh dạn áp dụng các biện pháp tư pháp khác (đưa vào trường giáo dưỡng, trường cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng, giao cho chính quyền địa phương giám sát và quản lý chặt chẽ...), thậm chí khi trẻ thực hiện hành vi nếu đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải kiên quyết xử lý, tránh bao che. Đây không còn là câu chuyện để trên bàn để “nghiên cứu thực trạng”, cần phải có những động thái tích cực hơn trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, chấm dứt kiểu suy nghĩ đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, chính quyền. Phải xử lý rốt ráo mỗi vụ việc xảy ra mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục trẻ. Về phía nhà trường, nên thường xuyên rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Những clip học sinh đánh bạn cần được nhà trường mổ xẻ, phân tích trong các tiết học Giáo dục công dân, từ đó cảnh báo các em tránh xa bạo lực. Khéo léo giáo dục những học sinh tham gia đánh bạn và cũng xử phạt cả người quay clip tung lên mạng, cả những bình luận ảnh hưởng tâm lý nạn nhân.


M. Anh – T. Vinh
Ý kiến của bạn