Đồng thời, nước ta cũng đứng thứ 7 thế giới về số người sử dụng facebook. Mạng xã hội được ví như con dao hai lưỡi, bên cạnh các thông tin bổ ích còn có rất nhiều thông tin xấu, bịa đặt, định hướng dư luận bằng hành động sai trái, thù địch…
“Dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam…Việt Nam chuẩn bị đổi tiền (và đăng hình ảnh nói rằng tiền đã được in, chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam)… Lại thêm một vụ máy bay rơi ở sân bay Nội Bài… 2 nữ sinh hiếp dâm 1 nam thanh niên đến chết…” Vô vàn những thông tin xấu, bịa đặt xuất hiện trên facebook. Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội hoặc biết những trường hợp tương tự. Đã có người tìm đến cái chết chỉ vì những dòng thông tin ác ý vu khống trên mạng nhằm vào mình. Đã có người mất việc, mất danh dự chỉ vì những nốt like, share vô cảm những thông tin chưa được kiểm chứng, bóp méo sự thật, lẫn lộn đúng sai. Những thông tin giật gân trên trang cá nhân luôn thu hút sự hiếu kỳ của người sử dụng mạng xã hội và gây nên những hiệu ứng không tốt. Người đọc hoang mang, hoảng sợ. Nạn nhân trong những câu chuyện không có thật chịu đủ mọi sự chê trách của xã hội, trong khi đó, người đăng thông tin có lẽ đang ngồi mỉm cười đếm like, đếm view và vui mừng vì trang cá nhân của mình được nhiều người biết đến, do đó, việc kinh doanh qua mạng sẽ thuận lợi hơn.
Với những vụ việc được cơ quan chức năng làm sáng tỏ, nạn nhân có thể được minh oan, thế nhưng có những kết cục quá đau lòng bởi sự ác ý của xã hội, bởi những anh hùng bàn phím. Cách đây không lâu, một nữ sinh đã phải tìm đến cái chết vì bị bêu xấu, bị hạ nhục trên mạng. Rất ít nạn nhân của mạng xã hội bình tĩnh và dùng chính mạng xã hội để cải chính thông tin nhằm lấy lại danh dự cho mình. Bạo lực ngôn từ còn tác hại gấp nhiều lần so với bạo lực từ các hành động vật lý. Câu hỏi đặt ra là tại sao thông tin bịa đặt xuất hiện dày đặc và vẫn có đất sống? Các chuyên gia cho rằng, nhờ sự cả tin dễ dãi của tâm lý đám đông, người chơi mạng xã hội khiến cho các thông tin xấu vẫn tồn tại và gây ảnh hưởng. Sự tự do, tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói cao hơn nhiều và gần như không bị kiểm soát khiến cá nhân dùng mạng xã hội dễ dàng tiếp cận các thông tin xấu. Nhiều cá nhân chưa ý thức được về tác hại của những thông tin bịa đặt, chỉ nghĩ là chuyện tầm phào nên cũng dễ dàng hùa theo. Đây thực sự là điều đáng lo ngại của cơ quan chức năng, của những người có trách nhiệm và cả cộng đồng mạng xã hội. Bởi nếu không thay đổi thái độ và hành vi tiếp nhận thông tin mạng thì môi trường chứa 40 triệu người và cả đời sống thật sẽ bị đầu độc bởi những chất độc thông tin mà mỗi cá nhân vô thức đưa ra cộng đồng.
Hiện nay, pháp luật đã có đầy đủ chế tài xử lý hành vi tung tin ác ý, bịa đặt trên mạng xã hội, tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ như muối bỏ bể. Với hành vi tung clip trò đùa pha trà đá bằng nước rửa chân bị phạt 7,5 triệu đồng, mới đây, với việc đưa thông tin lễ hội sờ ngực từ thiện ở Đà Nẵng, kẻ phao tin bị phạt 5 triệu đồng. Nhiều đánh giá cho rằng, với quyết định xử phạt hành chính cho các vi phạm về đăng thông tin trên mạng như trên là còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, dễ dẫn tới nhờn pháp luật. Một khi mà chưa có vụ việc điển hình bị đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm khắc hơn thì hành vi vi phạm sẽ ngày càng nhiều hơn. Nhiều luật sư và những người có trách nhiệm với xã hội cũng đề nghị tăng hình phạt cho các hành động này.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, đại diện Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) khẳng định, không có hành vi đưa tin giả, đưa tin xúc phạm người khác trên mạng mà không bị xử lý. Bởi cơ sở pháp lý thì đã có, cơ quan chức năng cũng quyết tâm vào cuộc. Thời gian tới, Bộ TTTT cũng đẩy mạnh phối hợp với chủ sở hữu các mạng xã hội để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất nhằm tăng cường hiệu quả công tác xử phạt, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng, hay là chính sách quản lý thông tin trên mạng…
Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên internet như hiện nay, mỗi người chúng ta hơn lúc nào hết phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh xem xét để không mắc phải âm mưu của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Đây cũng chính là dịp để chúng ta thể hiện bản lĩnh trong xã hội. Người sử dụng mạng xã hội cần nhớ, việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín danh dự của người khác là hành vi phạm pháp dù ở bất cứ quốc gia nào. Về mặt đạo đức thì cũng không một xã hội nào chấp nhận hành vi đó. Con người phải hướng đến sự tốt đẹp, tính nhân văn thì xã hội mới văn minh và phát triển bền vững được.