Bạo lực học đường: ‘Phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm’

17-04-2023 19:20 | Thời sự
google news

SKĐS - “Phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm. Em nào cứ mắc đi mắc lại tội kéo bè kéo cánh đánh bạn, cần thiết phải đuổi học. Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa vào trại giáo dưỡng”, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam nêu quan điểm.

Học sinh cấp 2 có ý định tự tử vì bạo lực học đườngHọc sinh cấp 2 có ý định tự tử vì bạo lực học đường

SKĐS - Mới đây, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận trường hợp một học sinh cấp 2 đã có ý định tự tử do bạo lực học đường.

Những vụ bạo lực học đường gây sốc dư luận

Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin một học sinh lớp 10 THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử vì bị bạo lực học đường. Trao đổi với báo chí, đại diện Trường THPT chuyên ĐH Vinh cho biết, Ban giám hiệu nhà trường đã đến chia buồn, động viên với gia đình của em N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15. Về nguyên nhân chính xác của vụ việc, đại diện nhà trường cho biết cơ quan công an đang điều tra làm rõ.

Trước đó, một tài khoản nhận là người thân của nữ sinh đã đăng thông tin chia sẻ với nội dung: "Nữ sinh vốn học giỏi nhất nhì lớp, thế nhưng nữ sinh đã bất ngờ bỏ học và từng nói với mẹ "con sợ đi học, con sợ đến trường". Sau đó, khi mẹ tìm hiểu ra mới biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.

Mẹ có tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Trường không cho chuyển lớp nhưng nhận được các lời hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm nên mẹ tạm yên tâm nghĩ con sẽ tự xử lý được vấn đề của con... Ai ngờ đâu con vẫn bị sống trong môi trường áp đảo ấy kéo dài hàng tháng trời. Con đã lên kế hoạch mua dây thừng mới và nhằm lúc bố mẹ vắng nhà đã khóa trải cửa và thắt cổ tự vẫn. Con hưởng dương 17 tuổi tròn...".

Bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất của học sinh - Ảnh 2.

Thông tin đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người bàng hoàng.

Trước đó, cũng vào đầu tháng 4, một vụ việc khác xảy ra tại Trường THCS số 1 Bắc Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, mạng xã hội lan truyền đoạn clip khoảng 15 giây ghi lại hình ảnh một nữ sinh tát liên tục vào mặt một bạn nữ khác đang quỳ dưới nền gạch. Đoạn clip sau khi xuất hiện trên mạng xã hội khiến nhiều người xem tỏ ra bất bình trước hành vi bạo lực học đường của học sinh.

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở cấp THPT, THCS mà ngay cả cấp tiểu học cũng xảy ra hiện tượng này. Tại Trường Tiểu học Kim Đồng (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), 2 em học sinh lớp 5/4 đã đánh bạn và một em khác dùng điện thoại quay lại ngay trong lớp học.

Vào năm ngoái, nhiều vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận như học sinh đánh nhau đến chấn thương sọ não, có em bị đưa vào nhà vệ sinh đánh và lột đồ quay clip; nữ sinh bị bạn đán toác đầu, bị nhấn xuống bùn... hay đánh nhau kinh hoàng ở Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường do chuyện tình cảm; thậm chí một nam sinh lớp 11 ở Long An bị bạn đánh tử vong.

Hay trước đây mấy ngày, T.L, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội) phải nằm viện điều trị 1 tuần với những vết thương vùng mặt, cô bé học sinh lớp 8 đã phải trải qua những ngày sang chấn tâm lý sau khi bị các bạn đánh hội đồng ngay tại nhà.

Qua các sự việc cho thấy, bạo lực học đường xảy ra ở nhiều lứa tuổi, mức độ, tính chất của từng vụ việc khác nhau. Cả học sinh nam và nữ đều tham gia vào các vụ ẩu đả, đánh nhau chỉ vì nói xấu nhau trên mạng xã hội hoặc vì lỡ cùng thích một bạn trai nào đó, hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè…

Gia đình và nhà trường cùng chung tay kiểm soát tình trạng bạo lực học đường

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), bạo lực học đường là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất của học sinh.

"Có những lời đe dọa ngay từ lúc đầu là xích mích nhỏ, phải có hoạt động nhóm hòa giải ngang hàng để ngay từ xích mích nhỏ được giải tỏa, các em hiểu nhau rồi, không làm bùng phát lên thành các vụ việc nghiêm trọng nữa.

Không phải nhà trường mới có trách nhiệm, mà gia đình phải có trách nhiệm. Trong đó, đối với nhà trường vai trò của giáo viên chủ nhiệm, phòng tham vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Tất cả phải chung tay thì mới kiểm soát được tình trạng bạo lực học đường này".

Đối với những học sinh vi phạm, theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: "Phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm. Em nào cứ mắc đi mắc lại tội kéo bè kéo cánh đánh bạn, cần thiết phải đuổi học. Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa các em này vào trại giáo dưỡng. Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người. Có khi việc xử phạt nặng lại là liều thuốc mạnh làm cho các học sinh này tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời".

Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, với những em là nạn nhân của bạo lực học đường thì việc nên làm là không được giấu giếm mà phải tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tìm giải pháp.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Nay thì tội phạm ngày càng trẻ hóa, đa phần ở độ tuổi 18 đến dưới 30, chiếm tới 41% tội phạm giết người.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn