Bạo lực học đường: Người lớn cần văn minh trong cách hành xử

26-03-2024 19:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Vấn nạn bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Trước những tình huống bạo lực học đường, cha mẹ, người lớn không nên tìm cách gây thêm bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng, hãy tìm đến nhà trường sớm nhất có thể.

Hãy yêu thương và chia sẻ cùng con

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường với tính chất, mức độ hành vi rất nghiêm trọng để lại những hậu quả nặng nề cho trẻ nhỏ.

Gần đây nhất, ngày 25/3, Công an quận Long Biên (Hà Nội) thông tin, lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc một học sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não.

Theo phản ánh của chị L., con trai chị là cháu N.H.Đ. (14 tuổi, đang học lớp 8), chiều 17/3 trong lúc chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật đã xảy ra xích mích với cháu K. (12 tuổi).

K. đã gọi anh trai (16 tuổi) và bố tới. Sau đó, K. và anh trai đánh cháu Đ. khiến cháu bất tỉnh tại chỗ. Ngay sau đó, Đ. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật. Tuy nhiên do bị tổn thương nặng, nam sinh gần như không còn hy vọng sống, đang duy trì từng ngày bằng máy thở.

Trường hợp tiếp theo, ngày 23/3, nữ sinh lớp 7 tại Hải Dương có xảy ra xích mích với một nữ sinh lớp 9 cùng trường. Sau đó, nam thanh niên được cho là người chú của học sinh nữ lớp 9 đã chặn đường em học lớp 7 đang đi học về và có hành vi đánh nữ sinh. Vụ việc được người nhà nữ sinh bức xúc đăng tải lên mạng xã hội.

Bạo lực học đường: Người lớn cần văn minh trong cách hành xử- Ảnh 1.

Vụ nữ sinh lớp 7 ở Hải Dương bị người nhà bạn học cùng trường tát liên tiếp vào mặt.

Đứng trước một vụ bạo lực học đường, thực tế cho thấy phụ huynh thường có hai cách ứng xử, một là báo cho nhà trường, hai là tự gia đình 'giải quyết'.

Chị Phương Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Bản thân là một người mẹ, khi nhìn thấy con bị bắt nạt, bạo lực học đường chắc chắn ai cũng thương con và tìm cách bảo vệ trẻ. Trong trường hợp con mình rơi vào hoàn cảnh này tôi sẽ nói chuyện trực tiếp với gia đình bạn nhỏ kia và nhà trường. Còn nếu trong trường hợp con bị bạn và gia đình bạn kia dùng bạo lực, tôi sẽ nhờ đến sự can thiệp của pháp luật".

Lo lắng bạo lực học đường xảy ra với con mình, anh Quốc Huy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, cần phải làm bạn với con, nghe con tâm sự để cùng con đồng hành mọi khó khăn trong cuộc sống.

Cần bảo vệ con theo pháp luật

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, chị Minh Đào (giáo viên tại Trường THCS Kỳ Bá, TP Thái Bình) cho hay,  mâu thuẫn là chuyện  bình thường trong cuộc sống, nhưng việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường phải có văn hóa và tôn trọng pháp luật. Cha mẹ cần thể hiện mình có ứng xử đẹp, con người văn minh và hiểu pháp luật. 

Bạo lực học đường: Người lớn cần văn minh trong cách hành xử- Ảnh 2.

Trẻ em cần được yêu thương và bảo vệ. Ảnh minh họa không liên quan đến bài viết.

Khi xảy ra sự việc trẻ bị bạn đánh, phụ huynh cần xác minh con giao lưu với ai, tìm hiểu ai là người hành hung con mình, hiều được lí do tại sao con bị đánh.

Tốt nhất không nên chọn cách giải quyết "tay đôi". Gia đình nên đề nghị giáo viên nhắc nhở trẻ đã đánh con mình, từ đó giáo viên sẽ có biện pháp tăng cường giáo dục cho học sinh tình yêu thương, tình đoàn kết trong lớp học, tránh xung đột", chị Đào cho hay.

Theo TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, các bậc phụ huynh khi phát hiện con em mình bị bạo lực học đường, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho con, để cho con trút hết tâm tư suy nghĩ, bực bội. Đồng thời cần phải dạy cho con cách bảo vệ bản thân khi rơi vào trường hợp bị bạo lực học đường, tuy nhiên cần phải tuân thủ pháp luật và đạo đức.

"Phụ huynh cũng cần quan tâm hơn nữa đến con em  đã bị hành vi bạo lực, chú ý biểu hiện bất thường của các em, cần thiết có thể cần phải can thiệp về tâm lý tránh để các em có suy nghĩ, thái độ và hành vi tiêu cực", TS. Vũ Thu Hương khuyên.

Xem thêm video được quan tâm:

Xót xa những tâm sự đầu tiên của nữ sinh lớp 8 bị bắt nạt hội đồng.


Đan Tâm
Ý kiến của bạn