Hà Nội

Bạo lực học đường – khi tình thương chưa đặt đúng chỗ

05-04-2019 06:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa vừa có những chia sẻ về tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong thời gian vừa qua. Theo bà, một trong những nguyên nhân là gia đình, nhà trường và xã hội “phòng ngừa” bạo lực học đường chưa đúng, nhiều trường hợp xử lý còn nương nhẹ. Đó là khi tình thương chưa đặt đúng chỗ.

Chỉ xử lý cho qua, khó giảm tình trạng bạo lực?

Trong thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường và bạo lực trong học sinh có xu hướng gia tăng như vụ việc đau lòng 5 học sinh đánh hội đồng bạn học tại Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), vụ việc xảy ra tại trường học ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Nghệ An… đã gióng lên một “hồi chuông cảnh tỉnh “ về tình trạng bạo lực học đường.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa -Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng sau các vụ việc đáng tiếc xảy ra ở các địa phương, Bộ Giáo dục đào tạo đã về  làm việc với các địa phương và  tỉnh. Tại Nghệ An xảy ra trường hợp bạo lực bên ngoài nhà trường,  các cháu đánh nhau bị  nhà trường xử lý với hình thức đình chỉ học 1 tuần, còn cháu bị đánh cũng bị khiển trách, và nhà trường đã rút kinh nghiệm toàn trường.  Trong khi đó, vụ việc ở Hưng Yên được đích thân Bộ trưởng Giáo dục chỉ đạo và đang trong quá trình xử lý.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa -Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhiều người  dân chia sẻ rằng bạo lực học đường là hành vi cần lên án, nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức, chỉ khi bạo lực xảy ra, cơ quan chức năng lúc đó mới vào cuộc, điều tra, xử lý. Việc không giải quyết tận gốc vấn đề khiến bạo lực cứ hết vụ này tới vụ kia lại xảy ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giáo dục con em phòng chống bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn có trách nhiệm của gia đình và xã hội.  Bà Thứ trưởng thừa nhận, vẫn còn một số nhà trường chưa làm tốt công tác phòng ngừa bạo lực trong trường học.  Nhà trường  cần xây dựng mối quan hệ giữa các chủ thể trong trường như giáo viên, học sinh, hay quan hệ giữa các học sinh, trên cơ sở thân thiện, tôn trọng, yêu thương và  trách nhiệm.  Khi phát hiện ra các trường hợp bạo lực trong trường học, nhà trường còn nể nang,  chưa xử lý nghiêm minh đảm bảo tính răn đe. “Tình thương chưa đặt đúng vị trí”, bà Nghĩa nói. Trong nhà trường , giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng, cô phải là người hiểu được tâm lý tình cảm, hoàn cảnh của mỗi em . Từ đó, nếu có những thay đổi gì ở các cháu, cần tư vấn tâm lý cho các cháu. Bên cạnh đó hiện nay, kỹ năng sống của chúng ta còn yếu. Việc  phối hợp giữa các tổ chức đoan hội cũng còn có hạn chế.

Một đứa trẻ bị bạo lực, lớn lên có xu hướng thành người bạo lực

Bà  Nghĩa chia sẻ:  “Tôi vừa là nhà quản lý cũng vừa là một phụ huynh, nên tôi rất quan tâm tới vấn đề này” .  Đây là một vấn đề gây bức xúc xã hội, bởi bạo lực học đường ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và tinh thần của đứa trẻ.  Có nghiên cứu cho rằng, nếu một đứa trẻ bị bạo lực học đường từ nhỏ, lớn lên có xu hướng trở thành người bạo lực.

Các vụ việc bạo lực học đường  xảy ra ở đối tượng là các cháu học sinh THCS

Phân  tích nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực học đường thời gian qua,  bà Nghĩa cho rằng, trong các vụ việc  xảy ra đối tượng đều  là các cháu học sinh THCS. Đây là tuổi  các cháu phát triển nhanh về tâm sinh lý, chưa trưởng thành về nhận thức. Trong khi đó  xã hội có nhiều thay đổi, với những thông tin độc hại tràn lan  trên mạng xã hội, điều này đã  ảnh hưởng không nhỏ đến  tâm sinh lý của giới trẻ. Các cháu nhiều khi không kiểm soát được hành vi của mình, không nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của bạo lực học đường, khi phát hiện ra người lớn lại chưa giải quyết thỏa đáng , còn nương nhẹ nên không đủ sức ngăn chặn.

Bà Nghĩa kêu gọi các gia đình cần nâng cao nhận thức về tình trạng bạo lực học đường. Bởi gia đình là   nơi trẻ được sinh ra lớn lên, là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người , đây còn là trách nhiệm, đạo đức cua những người làm cha mẹ, cha mẹ nên l àm bạn với con, quan tâm giáo dục kỹ năng giao tiếp ứng  xử, kỹ năng  tự bảo vệ mình cho trẻ . Cần phối hợp với nhà trường trong việc hướng các cháu đến với những hành động, hành vi đẹp.

Những thông tin độc hại trên mạng xã hội có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới nhân cách trẻ.  Cần chung tay phối hợp  giữa gia đình, nhà trường và xã hội mới là biện pháp tốt nhất để dẹp bỏ bạo lực học đường.


Hải Yến
Ý kiến của bạn