Bạo lực học đường: Cần ngăn chặn bạo lực ngay từ khi bắt đầu

22-04-2023 08:17 | Sức khỏe tâm hồn

SKĐS - Từ vụ việc Y.N, nữ sinh lớp 10 (Nghệ An) tự tử nghi vấn do bạo lực học đường, học sinh, thầy cô và cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trẻ trước nạn bạo lực học đường?

Trẻ nên làm gì khi bị bạo lực học đường

Nếu trẻ gặp phải vấn đề bạo lực học đường, trước hết cần phải nói ra để những người xung quanh được biết.

Đầu tiên trẻ cần phải chia sẻ để tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Có thể chia sẻ với những người bạn thân thiết, sau đó đến thầy cô, gần gũi nhất là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hoặc bất kỳ một người lớn nào mà học sinh cảm thấy tin tưởng. Học sinh cần phải chia sẻ, thầy cô, cha mẹ sẽ là người giúp đỡ và cũng là người thông báo tới nhà trường, cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề.

Tiếp đến, chính bản thân học sinh sẽ phải chủ động tránh những tình huống bản thân sẽ gặp phải bạo lực học đường như tình huống để các bạn trêu đùa, buông lời tổn thương bản thân hay có hành vi bạo lực thân thể (tác động vật lý) …

Trong trường hợp học sinh cảm thấy không thể tâm sự với thầy cô, bạn bè hay cha mẹ, có thể gọi tới Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng.

PGS.TS Dương Hải Hưng đưa ra lời khuyên cho học sinh, cha mẹ và thầy cô khi gặp phải vấn đề bạo lực học đường.

Cha mẹ, thầy cô cần làm gì khi trẻ bị bạo lực học đường

Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần cha mẹ đồng hành. Đặc biệt ở lứa tuổi thiếu niên và đầu thanh niên (học sinh THCS và THPT), cha mẹ cần là người bạn đồng hành, chia sẻ với trẻ. Thay vì phán xét, cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con để hiểu con hơn.

Cha mẹ cần trao đổi với nhà trường và cùng nhà trường có biện pháp bảo vệ và giải quyết vụ việc càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, cha mẹ cần nâng cao nhận thức và các biện pháp phòng vệ cho con.

Mỗi trường học đều có phòng tham vấn học đường, các thầy cô có thể tư vấn, tham vấn cho học sinh. Khi có bất kỳ vấn đề nào bất thường xảy ra trong nhà trường, thầy cô sẽ thông báo tới phụ huynh để phối hợp cùng gia đình có những biện pháp giáo dục học sinh. Các em học sinh đang ở lứa tuổi hình thành và phát triển nhân cách. Hơn nữa, "nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò" nên thầy cô cần quan tâm sát sao đến học sinh và cần phát hiện sớm những trường hợp bất thường để phối hợp với phòng tham vấn học đường, ban giám hiệu, phụ huynh học sinh giải quyết sự việc nhanh chóng và kịp thời. Bên cạnh đó, thầy cô phải tạo được điểm tựa tâm lý cho học sinh, để học sinh luôn cảm thấy có người chia sẻ, bảo vệ bản thân.

Vì sao bạo lực học đường ngày càng gia tăng?

Thời gian gần đây bạo lực học đường gia tăng do nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông. Cùng với đó, việc tác động đến trẻ cũng có những mặt tích cực cũng như tiêu cực. Giáo dục trong nhà trường thời gian gần đây đã có những thay đổi tích cực. Đặc biệt việc đưa kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm để giáo dục trẻ. Nhưng bên cạnh đó mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội còn lỏng lẻo. Do sự phát triển của xã hội dẫn đến các mối quan hệ gia đình không còn gắn kết chặt chẽ, khoảng cách thế hệ, các phòng tham vấn học đường và vai trò của giáo viên chưa thực sự phát huy được hiệu quả….

Bạo lực học đường: Cần ngăn chặn bạo lực ngay từ khi bắt đầu - Ảnh 2.

Bạo lực học đường nếu không được can thiệp sớm có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Cụ thể, giáo dục nhà trường đã có sự quan tâm tới học sinh hơn nhưng để thống nhất cách giáo dục của nhà trường với gia đình và xã hội để có sự tác động đồng thuận còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, phương tiện thông tin ngày càng phát triển, việc quản lý, giám sát học sinh tiếp cận các luồng thông tin trên mạng ngày càng khó.

Vai trò của nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực học đường

Chúng ta cứ nghĩ bạo lực học đường là tác động vào thân thể, nhưng thực chất là có cả bạo lực thân thể và bạo lực về tinh thần. Đối với tuổi mới lớn, đặc điểm thần kinh quá trình hưng phấn mạnh hơn ức chế khiến trẻ khó kiểm soát cảm xúc. Từ đó có hành động không thể lường trước được và đôi khi xảy ra những sự việc đau lòng.

Về phía gia đình, con cái được xem là "công trình vĩ đại" của cha mẹ. Vì vậy, không có lí do gì mà không dành thời gian để chia sẻ đồng hành cùng con suốt chặng đường con hình thành và phát triển nhân cách. Gia đình cần tạo ra hoạt động chung, lắng nghe, đặt mình vào vị trí, bối cảnh của con để chia sẻ, đồng hành.

Về phía nhà trường, cần đẩy mạnh hoạt động của phòng tham vấn học đường, thường xuyên tham gia đánh giá vấn đề tâm lý cho học sinh. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh và các lực lượng xã hội về vấn đề bạo lực học đường và phối hợp đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.

Về phía các lực lượng xã hội cần chủ động hỗ trợ, phối hợp với nhà trường trong vấn đề giáo dục nhân cách học sinh nói chung, bạo lực học đường nói riêng.

Tuổi dậy thì của những đứa trẻ được ví von như những cầu thủ trong trận bóng đá còn người lớn là trọng tài. Người trọng tài cần thổi còi ngăn chặn vi phạm chứ không phải để rút thẻ phạt. Nghĩa là cần giáo dục nâng cao nhận thức trước khi sự việc đau lòng xảy ra.


PGS.TS Dương Hải Hưng
Khoa Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Ý kiến của bạn