Bạo lực học đường

12-07-2015 07:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Sở GD và ĐT Hà Nội: có mối quan hệ mật thiết giữa bạo lực học đường với bạo hành gia đình.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Sở GD và ĐT Hà Nội: có mối quan hệ mật thiết giữa bạo lực học đường với bạo hành gia đình. Khi có bạo hành gia đình thì đa phần các em học sinh nam đến lớp thường hay lầm lì, ít nói nhưng các em học sinh nữ lại có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, tự kỷ.

Từ những clip… gây chấn động

Không quá khó khăn khi lên google, hoặc Youtube để xem những thông tin hay clip quay những vụ chửi bởi, hành hung thậm chí ẩu đã tập thể, đâm chém nhau xảy ra ở lứa tuổi còn đang mặc đồng phục học sinh. “Học sinh H. dùng dao đâm bạn… Hành hung bạn học ngay giữa sân trường… Ghen tuông vô cớ đâm chết bạn cùng lớp… Đấm thầy giáo vì điểm kém…”. Đây là những thông tin về các vụ học sinh ẩu đả, đâm chém nhau hay học sinh hỗn láo xúc phạm giáo viên được phản ánh trên báo chí thời gian qua. Những thông tin về tình trạng bạo lực học đường hiện nay đã trở thành quá quen thuộc với xã hội, và xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến dư luận xã hội vô cùng nhức nhối, đau lòng cho nhiều bậc phụ huynh và các nhà quản lí giáo dục.

Bạo lực học đường quan hệ mật thiết với bạo lực gia đình.

Thực ra tình trạng bạo lực học đường không phải gần đây mới đáng báo động, trước kia những vụ bạo lực học đường xuất hiện cũng không ít nhưng khi đó internet và các trang mạng xã hội chưa phổ biến nên chưa thực sự tạo dư luận nhức nhối đối với xã hội như hiện nay. Sự kiện gây xôn xao dư luận đầu tiên đó là video clip học sinh nữ ở trường THPT Trần Nhân Tông đánh nhau bị đưa lên mạng cuối năm 2010. Vụ việc như phát súng đầu tiên, khi clip này được tung lên mạng đã khiến dư luận bị chấn động. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, sau khi kiểm tra đã phát hiện, thu giữ nhiều hung khí như côn, dao trong cặp, ba lô của học sinh. Nhiều trường hợp học sinh giấu vũ khí ở ngoài trường và khi có sự kiện thì đến lấy ra để đánh nhau. Một số trường hợp vi phạm tinh vi như gửi vũ khí trong cặp các bạn nữ và các bạn nữ này không dám nói ra…

Điều đáng buồn là rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra ở lứa tuổi học sinh chỉ vì những lý do vô cùng lãng xẹt, không đâu vào đâu. Trong giờ thể dục tại một trường trung học ở TP.HCM chỉ vì một học sinh lớp 10 đá bóng văng vào lớp của một học sinh lớp 11 mà xảy ra mâu thuẫn giữa 2 nhóm học sinh khác khối nhau, dẫn tới vụ ẩu đá, đâm chém kinh hoàng giữa 2 nhóm học sinh làm một học sinh lớp 10 bị đâm trọng thương và chết trên đường đi cấp cứu. Vấn nạn bạo lực không chỉ xảy ra đối với các học sinh nam mà còn không ít những vụ ẩu đả kinh hoàng do nữ sinh gây ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Một nữ sinh ở trường THPT ở Hải Dương xích mích với bạn vì bạn vô tình dẫm lên chân mình mà không xin lỗi cũng bị đám bạn kéo nhau, đánh đập, kéo tóc và xé áo làm nhục bạn giữa thanh thiên bạch nhật.

Một biểu hiện mới trong bạo lực học đường đó là sử dụng các mạng xã hội để dọa nạt, lăng mạ, nói xấu lẫn nhau. Từ clip bị đưa lên mạng của học sinh THPT Trần Nhân Tông nói ở trên, đã xuất hiện thêm nhiều clip bạo lực của các nữ sinh khác khiến dư luận hết sức bất bình. Điển hình như vụ hành hung bạn gái của nhóm học sinh ở Trường THPT Việt Bắc (Lạng Sơn), chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, nhóm nữ quái “áo trắng quần xanh” đã chửi bới tục tĩu, giật tóc, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với bạn và được ghi lại trong clip dài hơn 9 phút mà nếu chỉ xem qua mà không xem dòng chú thích thì nhiều người nghĩ đấy là những cảnh trong một bộ phim nói về lứa tuổi vị thành niên. Chưa dừng lại ở đó, có nhiều vụ chỉ vì nghi ngờ, ghen tuông vô cớ nhiều nhóm nữ quái còn làm nhục bạn bằng cách bắt quì xin lỗi và mặc cho nạn nhân van xin, nhóm nữ quái vẫn xông vào cắt tóc, lột quần áo rồi quay clip đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, để khoe khoang thành tích như một thú vui khác người. Chẳng hạn như video clip quay nữ sinh rạch áo bạn bằng dao lam tại Bắc Ninh, đoạn clip dài gần 4 phút đăng tải trên Youtube ghi lại cảnh 3 nữ sinh hành xử một bạn gái khác. Ngoài việc đánh đấm nạn nhân, một nữ sinh lấy ra trong túi quần một con dao lam, liên tục cắt áo nạn nhân và lột sạch cả áo trong lẫn áo ngoài cùng với lời đe dọa “nằm yên cho chị làm việc không thì em rách đấy”. Thậm chí nữ sinh này còn giơ chiếc áo ngực của nạn nhân trước máy quay để khoe như lập được chiến tích. Một hình ảnh khiến người xem hết sức phẫn nộ.

Đến lối hành xử trong gia đình

Gia đình được xem là cái nôi đầu tiên, gần gũi nhất về giáo dục nhân cách, hành vi cho mỗi cá nhân từ thuở ấu thơ cho đến hết cuộc đời. Bởi vậy, sự ảnh hưởng của gia đình đối với lối sống, cách hành xử của mỗi cá nhân là vô cùng lớn: từ tình cảm, tính cách, thói quen, hành vi và những giá trị sống.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bạo lực gia đình cũng đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. PGS.TS Đoàn Thị Ngọc Diệp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: Khoa Cấp cứu và Phòng khám ngoại trú của bệnh viện luôn tiếp nhận 2%-10% trẻ là nạn nhân của bạo hành hoặc bị bỏ rơi. Bác sĩ Diệp dẫn ra một khảo sát tại một trường trung học ở Việt Nam cho thấy 39,5% trẻ bị lạm dụng về tinh thần, 46,5% lạm dụng thể chất, 19,7% lạm dụng tình dục, 29,3% bị bỏ bê, đó là còn chưa kể đến tỉ lệ trầm cảm và lo âu.

Quỹ Quyền Hiến pháp của Liên Hợp quốc cho rằng việc phải đối mặt trong thời gian dài với bạo lực, hay tình trạng nghiện rượu của cha mẹ, bạo lực gia đình, lạm dụng thể chất trẻ em và lạm dụng tình dục trẻ em đã “dạy” cho trẻ các hành động bạo lực. Đồng thời kỷ luật thô bạo của cha mẹ cũng đi liền với những mức độ hung hăng cao hơn ở thanh niên. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Sở GD và ĐT Hà Nội: có mối quan hệ mật thiết giữa bạo lực học đường với bạo lực gia đình. Khi có bạo hành gia đình thì đa phần các em học sinh nam đến lớp thường hay lầm lì, ít nói nhưng các em học sinh nữ lại có thể rơi vào tình trạng trầm cảm, tự kỷ.

Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thể xác, chấn động về mặt tinh thần, gây rối loạn về mặt trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ em. Trường hợp cha mẹ bị ngược đãi đánh đập từ thuở nhỏ, sau này lại lặp lại cách đối xử đó với con cái mình không phải là hiếm. Sự bạo hành của người cha (người mẹ) đối với con cái có ảnh hưởng xấu không chỉ trong thời gian ngắn mà nó để lại di chứng suốt cuộc đời một con người. Trước mắt bạo hành là nỗi khiếp sợ và căm ghét của trẻ, nhưng tới khi trưởng thành, những đứa con, lại có xu hướng “lặp lại” cách cư xử độc ác đó với người khác. Khi thực hiện hành vi bạo lực, họ dường như không còn kiểm soát được hành vi của mình. Như vậy, di chứng tinh thần của bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của đứa trẻ.

Khi trẻ đến trường, đến lớp, bắt đầu là giai đoạn trẻ học kiến thức và tiếp xúc với xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn này trẻ vẫn nằm trong “vòng kiềm tỏa” của gia đình, vẫn chịu sự giáo dục của gia đình. Vậy nhưng, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra buông lỏng, phó thác mọi trách nhiệm giáo dục cho nhà trường và xã hội. Họ nghĩ mình chỉ có bổn phận lo cơm ăn, áo mặc, tiền bạc cho trẻ học hành là đủ. Có phụ huynh, khi con cái đòi gì cũng đáp ứng mà thiếu đi sự kiểm tra uốn nắn kịp thời. Trẻ xin tiền học thêm lớp này, lớp nọ đều có, thậm chí cha mẹ cung cấp “vô tư”; thừa tiền các em lại đua đòi ăn chơi. Không ít em trở nên nghiện ngập, hư đốn và có những mối quan hệ với những bạn xấu. Lỗi này một phần do sự thiếu hiểu biết của trẻ nhưng phần quan trọng là do cha mẹ, gia đình. Nếu gia đình thiếu sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục trẻ sẽ khiến trẻ buông thả, hư hỏng và dễ dẫn đến các hành vi bạo lực.

Minh Thư

 


Ý kiến của bạn