Hà Nội

Bão lũ giữa dịch COVID - Nguy cơ kép với sức khỏe và cách xử trí

15-09-2021 10:07 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sau khi bão đi qua, hoàn lưu bão thường gây mưa lớn trên diện rộng và có thể gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Bão lũ có thể mang lại những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, nhất là khi dịch COVID-19 đang hoành hành.

Bão lũ giữa dịch COVID- Nguy cơ kép với sức khỏe và cách xử trí - Ảnh 1.

Mưa bão cộng với tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến nguy cơ với sức khỏe gia tăng (Ảnh: TTXVN)

Rủi ro sức khỏe do nước không đạt vệ sinh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nước lụt có thể mang nhiều mầm bệnh. Ở các nước đang phát triển nơi có mầm bệnh dịch tả, thương hàn, mưa lũ có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Nước lụt thường bị ô nhiễm bởi nước thải và hóa chất, có thể làm tăng nguy cơ phát bệnh da, bệnh lý tai mũi họng và viêm kết mạc. Các bộ phận của cơ thể khi bị ngập trong nước lụt với thời gian dài, chẳng hạn như các vùng da của chân và bàn chân có thể bị viêm da hoặc phát ban ngứa. Hóa chất có trong nước lụt có thể gây kích ứng da và mắt sau khi tiếp xúc… 

Những rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, viêm dạ dày…) nếu nước uống bị ô nhiễm hoặc tiêu thụ thức ăn hoặc đồ uống nhiễm bẩn nước lũ. Mưa to, lụt lội và lũ quét có thể khiến trong nước ngập chứa đựng các vật sắc nhọn làm bằng kim loại hoặc thủy tinh dễ dàng gây tổn thương…

Rủi ro sức khỏe do nước đọng sau mưa bão

Sau khi mưa bão đi qua, có nguy cơ gia tăng nhiễm một số căn bệnh do muỗi đốt như sốt xuất huyết... Muỗi mang mầm bệnh phát triển mạnh trong nước đọng và sinh sản nhanh chóng.

Khuyến cáo mọi người nên cẩn thận phòng bệnh do muỗi đốt sau lũ lụt. Nhưng cần nhớ muỗi không phải là côn trùng duy nhất, còn có các sinh vật khác bao gồm kiến, động vật gặm nhấm, bò sát và vật nuôi trong nhà có thể đóng vai trò trung gian lây truyền bệnh.

Nước đọng có thể bị rò rỉ điện do các đường dây điện bị rơi trong các vùng ngập nước hoặc những đường dây điện ngầm nhưng điện vẫn đang hoạt động. Tình trạng này gây nguy cơ bị gây điện giật cho bất cứ ai tiếp xúc.

Dễ lây lan bệnh lý hô hấp, gồm cả COVID-19 trong bão lũ

Các nhiễm trùng đường hô hấp có thể có nhiều khả năng lây lan ở trong khu vực trú ẩn mưa lũ với quy mô nhiều người. Trong bão lũ, người dân khó có thể duy trì các tiêu chuẩn vệ sinh lành mạnh. Khi mọi người ở cùng nhau trong những nơi trú ẩn với các nhóm người đông, thật dễ dàng để lây lan mầm bệnh. Nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường hiện nay.

Các bác sĩ cũng thường thấy nhiều người bị nhiễm trùng đường hô hấp sau khi nước lũ rút đi. Ô nhiễm từ nước lũ và nấm mốc phát triển nhanh chóng trong môi trường ấm áp có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn hoặc gây dị ứng đường hô hấp.

Bão lũ giữa dịch COVID- Nguy cơ kép với sức khỏe và cách xử trí - Ảnh 3.

Giữa khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cần cảnh giác hơn nữa với các bệnh do bão lũ gây ra.

Phát sinh rối loạn sức khỏe tinh thần do căng thẳng kép - COVID và bão lũ

Nghiên cứu cho thấy có nhiều mối quan tâm về sức khỏe từ một trận bão lũ, ngoài những mối nguy hiểm hiện hữu lên sức khỏe thể chất, mưa lũ và thảm họa thiên nhiên còn ảnh hưởng xấu lên sức khỏe tinh thần. Cơn bão và lũ lụt tạo thêm sự lo lắng, trầm cảm và căng thẳng. Cơn bão và lũ lụt có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần hiện có hoặc dẫn đến phát sinh những vấn đề rối loạn tâm thần kinh mới.

Hiện tại, người dân đã quá căng thẳng do dịch COVID-19, lại thêm căng thẳng do mùa bão lũ đến càng làm dễ bộc lộ các rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, lo lắng hoặc buồn phiền... Một số người có thể phát triển các vấn đề liên quan đến những rối loạn tâm thần liên quan đến rối loạn stress kéo dài. Nghiên cứu cho thấy những người có kết nối chặt chẽ với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp có xu hướng phục hồi tốt nhất, vì vậy cần quan tâm đến những mối quan hệ xung quanh để giúp phục hồi tinh thần. Đối với những người có khó khăn về tinh thần kéo dài, nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ.

Lời khuyên của thầy thuốc

- Mọi người nên mang ủng cao su và găng tay khi dọn dẹp nhà cửa, tránh tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ vật dụng nào đã tiếp xúc với nước lụt, dùng khẩu trang hoặc mặt nạ khi dọn dẹp.

- Tường, sàn và bất kỳ vật gì có bề mặt cứng tiếp xúc với nước lũ, khu vực vui chơi trẻ em cần phải được làm sạch bằng xà phòng và nước sạch, dung dịch khử trùng. Vải nên được giặt sạch bằng nước nóng hoặc giặt khô. Đồ nội thất nên được phơi khô dưới ánh mặt trời và sau đó được xịt bằng các chất khử trùng.

Bão lũ giữa dịch COVID- Nguy cơ kép với sức khỏe và cách xử trí - Ảnh 4.

Nhiều thách thức trong và sau mưa bão với môi trường và sức khỏe người dân.

- Để hạn chế nhiễm trùng, phụ huynh không cho trẻ chơi với đồ chơi đã ngâm trong nước lụt, trừ khi đồ chơi đã được rửa kỹ.

- Thực phẩm và đồ uống, kể cả thuốc đã tiếp xúc với nước lũ nên được vứt bỏ.

- Nếu đang có vết thương sẵn ở da, hãy thực hiện các bước sau: Tránh tiếp xúc với nước lũ nếu bạn có vết thương hở; Giữ vết thương hở càng sạch càng tốt bằng cách rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch; Che sạch vết thương bằng băng không thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng; Đến bác sĩ ngay lập tức nếu vết thương phát triển đỏ, sưng, hoặc rỉ dịch hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng khác như sốt, tăng đau, khó thở, nhịp tim nhanh.

- Nếu bị thương tích trong mưa lũ, bạn có thể xử trí ban đầu vết thương: Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch, nếu có thể; Tránh chạm vào vết thương bằng ngón tay của bạn trong khi điều trị, nếu có thể sử dụng găng tay cao su dùng một lần; Băng ép trực tiếp băng vô trùng cho bất kỳ vết thương chảy máu nào để làm ngừng chảy máu; Làm sạch vết thương sau khi chảy máu đã dừng lại; Loại trừ bụi bẩn và dị vật khỏi vết thương bằng nước đóng chai hoặc nước sạch hoặc dung dịch nước muối; Lau khô và dán băng dính hoặc vải sạch khô; Tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

- Ngay trong mưa bão vẫn cần thực hiện các cách phòng ngừa bệnh COVID-19 như biện pháp 5K.

Thiết lập các “vùng xanh” ứng phó bão lũ trong dịch COVID-19Thiết lập các “vùng xanh” ứng phó bão lũ trong dịch COVID-19

SKĐS - Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm về bão, lũ. Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, từ nay đến cuối năm có khoảng 7-9 cơn bão. Các địa phương đang khẩn trương “gia cố” an toàn cho người dân và tài sản…

Xem thêm vieo được quan tâm:

Truyền thông về xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ trên Báo Sức khỏe và Đời sống.

TS. BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn