Hà Nội

Bao lâu sau tiêm vaccine, cơ thể đáp ứng miễn dịch với COVID-19?

20-10-2022 13:33 | Vaccine

SKĐS - Tiêm phòng vaccine là biện pháp hiệu quả bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm COVID-19. Sau tiêm, mất bao lâu để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch với COVID-19?

Sau khi tiêm vaccine hoặc tiêm mũi nhắc lại có thể mất vài tuần để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch đầy đủ. Việc đáp ứng với vaccine có thể khác nhau ở mỗi người. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thời gian cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Bao lâu sau tiêm vaccine, cơ thể đáp ứng miễn dịch với COVID-19? - Ảnh 1.

Tiêm phòng vaccine là biện pháp hiệu quả bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm COVID-19.

1. Cách cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch

Có hai cách cơ thể có thể tạo ra kháng thể và xây dựng khả năng miễn dịch :

  • Miễn dịch tự nhiên: Xảy ra khi bị nhiễm trùng và hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại nhiễm trùng đó.
  • Miễn dịch do vaccine: Xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể sau khi tiêm vaccine.

Cả hai loại miễn dịch có thể tồn tại trong một thời gian dài - trong nhiều năm và thậm chí lâu hơn trong một số tình huống.

2. Miễn dịch hoạt động như thế nào?

Miễn dịch đề cập đến cách hệ thống miễn dịch bảo vệ bạn khỏi các bệnh nhiễm trùng khác nhau do nhiễm virus và vi khuẩn. Cách để thực hiện điều này là thông qua các tế bào bạch cầu (tế bào miễn dịch) lưu thông trong máu.

Các loại tế bào bạch cầu chính, bao gồm:

- Các đại thực bào tấn công và phá vỡ vi trùng khi chúng xâm nhập vào cơ thể.

- Tế bào lympho B (tế bào B) tạo ra các loại kháng thể khác nhau.

Lần đầu tiên cơ thể tiếp xúc với một bệnh nhiễm trùng nào đó, có thể mất từ 7 đến 10 ngày để hình thành các kháng thể. Lần tiếp theo cơ thể tiếp xúc với nhiễm trùng đó, các tế bào B có thể tạo ra các kháng thể này nhanh chóng hơn.

- Tế bào lympho T (tế bào T) tấn công các tế bào trong cơ thể đã bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Sau khi hết nhiễm trùng, cơ thể giữ lại một số tế bào T, được gọi là "tế bào bộ nhớ", sẵn sàng chống lại sự lây nhiễm đó nếu mắc phải.

Bao lâu sau tiêm vaccine, cơ thể đáp ứng miễn dịch với COVID-19? - Ảnh 3.

Khả năng đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccine COVID-19 phụ thuộc vào mỗi cá nhân.

Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm chủng phụ thuộc vào mỗi cá nhân, lứa tuổi cũng như các tình trạng sức khỏe khác...

3. Sau tiêm vaccine COVID-19 bao lâu cơ thể có khả năng đáp ứng miễn dịch?

Vaccine COVID-19 huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết và chiến đấu chống lại nhiễm trùng COVID-19. Sau khi tiêm vaccine, có thể mất 2 đến 3 tuần để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại virus. Nếu tiêm vaccine COVID-19 cơ thể sẽ có miễn dịch một phần khoảng 2 tuần sau liều đầu tiên. Sau đó, 10 đến 14 ngày sau liều thứ hai lượng kháng thể trung hòa có thể tăng gấp 10 lần.

Các thử nghiệm lâm sàng đã xác nhận khả năng miễn dịch từ vaccine Pfizer 6 tháng sau liều thứ hai đạt hiệu quả 91,3%. Tương tự, vaccine Moderna cho thấy hiệu quả trong 6 tháng sau liều thứ hai là 94%. Dấu mốc 6 tháng này là một cột mốc quan trọng và các nhà sản xuất sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả của vaccine.

4. Hiệu quả miễn dịch vaccine so với miễn dịch tự nhiên?

Miễn dịch do vaccine và miễn dịch tự nhiên đều cung cấp khả năng bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng trong tương lai, nhưng đã có nhiều báo cáo khác nhau về hiệu quả.

Nhiều nghiên cứu đã cân nhắc về khía cạnh miễn dịch tự nhiên. Trong suốt đại dịch, chúng ta đã thấy rằng cả hai loại miễn dịch đều khác nhau với mỗi biến thể. Các bằng chứng thường cho thấy:

  • Cả nhiễm trùng và tiêm chủng đều làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng trong ít nhất 6 tháng.
  • Mỗi cá nhân sẽ có phản ứng miễn dịch khác nhau đối với cả vaccine và nhiễm trùng. Nhưng cả hai đều không thể bảo vệ 100% chống lại nhiễm trùng.
  • Miễn dịch tự nhiên sau đó được tăng cường bởi miễn dịch vaccine có khả năng cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ nhất.

Và điều cần lưu ý là tiêm phòng an toàn hơn so với miễn dịch tự nhiên. Miễn dịch vaccine không có rủi ro như miễn dịch tự nhiên - như nhiễm trùng nặng, nhập viện hoặc nhiều biến chứng liên quan, thậm chí tử vong. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy những người được tiêm phòng đầy đủ ít có khả năng truyền virus cho người khác.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

5 thói quen siêu đơn giản có thể giúp giảm nguy cơ ung thư

Ths. Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn