Thế nhưng hiện nay tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT bình quân chỉ đạt khoảng 40%. Vậy nguyên nhân nào khiến người nhiễm HIV tham gia BHYT còn thấp, và vai trò của BHYT đối với người nhiễm HIV như thế nào?... Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS xung quanh vấn đề này.
PGS.TS.Nguyễn Hoàng Long.
PV: Trong thời gian tới khi nguồn lực quốc tế bị cắt giảm sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều tới công tác điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Những khó khăn và giải pháp về vấn đề này trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn. Kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các chương phòng, chống AIDS liên tục bị cắt giảm nên những tỉnh không có dự án quốc tế tài trợ gặp nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, chủ yếu là cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động. Do đó, các hoạt động can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV hầu như không được triển khai tại cộng đồng. Dự kiến trong thời gian từ năm 2017, các tổ chức quốc tế đa phương và song phương sẽ giảm nhanh việc tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và nếu còn chủ yếu hỗ trợ chúng ta về kỹ thuật, nên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc đảm bảo điều trị cho bệnh nhân AIDS sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Việc này đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân sang hệ thống điều trị thanh toán qua BHYT và chọn BHYT là giải pháp thay thế chính cho điều trị HIV/AIDS khi nguồn lực quốc tế cắt giảm.
PV: Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT còn hạn chế. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Hiện nay tỷ lệ bệnh nhân có thẻ bảo hiểm còn rất thấp. Tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT bình quân chỉ đạt khoảng 40%, chỉ bằng 1/2 so với tỷ lệ có thẻ BHYT chung của cả nước (79%). Các nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT thấp gồm có: Lâu nay người nhiễm được cấp thuốc miễn phí từ nguồn tài trợ nên họ chưa quan tâm đến mua và sử dụng BHYT; người nhiễm thường có điều kiện kinh tế rất khó khăn, không có tiền mua thẻ BHYT; nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước (kể cả là người nghèo); bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, gây cản trở cho những người có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT...
PV: Kế hoạch thực hiện thanh toán chi phí liên quan đến điều trị cho người nhiễm HIV bao gồm cả ARV thông qua BHYT ở nước ta như thế nào?
PGS.TS.Nguyễn Hoàng Long: Theo ước tính, từ năm 2017 bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT, chiếm khoảng 15% số bệnh nhân; tăng dần trong những năm tiếp theo và phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020. Nếu thực hiện được theo lộ trình này, kinh phí cho thuốc ARV từ nguồn BHYT chiếm 1.050 tỷ đồng, chiếm 36,0% tổng kinh phí ARV. Bộ Y tế coi BHYT là nguồn tài chính cơ bản và bền vững để điều trị ARV cho người bệnh HIV/AIDS trong thời gian tới, khi viện trợ cắt giảm.
BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV được điều trị lâu dài.
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về những lợi ích của BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS.
PGS.TS.Nguyễn Hoàng Long: BHYT là một chủ trương, chính sách lớn về an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ nguy cơ bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của những người không may bị ốm đau, bệnh tật, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong bối cảnh BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước thì Chính phủ lựa chọn BHYT là giải pháp thay thế nguồn lực chính trong công tác điều trị HIV/AIDS khi nguồn lực quốc tế cắt giảm. Khi có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ được hưởng các chính sách của Nhà nước về BHYT như những công dân khác.
Người nhiễm HIV có tỷ lệ mắc một số bệnh khác cao hơn người bình thường do ảnh hưởng của HIV/AIDS và các tác dụng phụ của thuốc nên cần được điều trị và chăm sóc toàn diện qua BHYT.
Phần lớn người nhiễm HIV/AIDS là những người nghèo, cận nghèo, sức khỏe yếu và việc làm thường không ổn định nên tham gia BHYT là cách tốt nhất để giảm bớt gánh nặng tài chính cho cá nhân và gia đình khi ốm đau bệnh tật.
Người nhiễm HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV), đặc biệt là điều trị sớm ARV có thể có tuổi thọ gần như người bình thường nên BHYT là nguồn bảo đảm bền vững cho người nhiễm HIV trong suốt cuộc đời của họ.
Hiện nay BHYT đã thực hiện thông tuyến đối với tuyến huyện, tuyến xã đã tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng với chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc toàn diện, kể cả điều trị ARV tại tuyến huyện, nhận thuốc ARV tại tuyến xã, phường.
PV: Xin cảm ơn ông!