Bảo hiểm Y tế - Phao cứu sinh cho người có "H"

19-12-2019 16:24 | Tin nóng y tế

SKĐS - Hiện nay, chi phí thuốc kháng vi rút ARV phác đồ bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người; phác đồ bậc 2 đắt gấp 7- 8 lần, chưa kể các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ và các dịch vụ đặc thù cũng khá cao...

BHYT chi trả thuốc điều trị HIV/AIDS

Theo định kỳ, cứ vào những ngày đầu mỗi tháng, anh P.Q.T, một bệnh nhân HIV ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu lại đến Phòng khám nội trú Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để theo dõi tình hình sức khỏe và nhận thuốc ARV về nhà điều trị.

Anh T cho biết: “Bản thân đã điều trị bằng thuốc ARV từ hơn 10 năm qua. Ban đầu, anh điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Về sau, để thuận lợi hơn cho việc đi lại và đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc, anh xin điều trị tại bệnh viện huyện. Cùng với tinh thần thoải mái, việc điều trị này đã giúp anh ổn định sức khỏe, cân nặng tăng từ 46 kg lên 62 kg”.

Anh T chia sẻ: “Tôi biết rõ nguồn thuốc ARV từ trước đến nay mình được nhận là từ các nguồn tài trợ và hoàn toàn miễn phí. Và bắt đầu từ 8/3/2019 vừa qua, thuốc phải chuyển sang thanh toán bằng nguồn BHYT. Do được tuyên truyền kỹ về lợi ích của việc mua BHYT nhằm tiết tiệm được các khoản chi phí điều trị rất lớn nên tôi đã chủ động mua BHYT. Hiện nay, BHYT thực hiện chi trả trong việc điều trị, cấp phát thuốc ARV và nhiều bệnh khác cho tôi như bao người khác”.

Khám và tư vấn cho người bệnh

Tương tự, chị V.T.H ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An cũng được BHYT chi trả chi phí điều trị và thuốc ARV. Do gia đình của H thuộc diện hộ nghèo nên được ưu tiên cấp BHYT, từ ngày 8/3 chiếc thẻ BHYT không chỉ giúp chị tiết kiệm chi phí điều trị các loại bệnh thông thường mà cả nguồn thuốc ARV. Chị H tâm tình: “Mấy tháng trước nghe nói các tổ chức quốc tế sẽ ngừng việc cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nên tôi rất lo lắng. Nhưng khi biết được BHYT sẽ chi trả, tôi cảm thấy yên tâm và tiếp tục điều trị theo phác đồ”.

Không chỉ riêng anh T và chị H mà 300 bệnh nhân nhiễm HIV của huyện Diễn Châu đều được điều trị, cấp thuốc ARV từ nguồn BHYT. Trong đó số 300 bệnh nhân này, có 70 người không có khả năng lao động và 50 người thuộc diện hộ nghèo, xã bãi ngang khó khăn, trẻ em được hỗ trợ thẻ BHYT 100%, còn lại mức chi trả cho các đối tượng khác là 80%...

Bác sỹ Nguyễn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu cho hay: “Từ ngày 8/3/2019, Bệnh viện chúng tôi được chọn làm điểm triển khai khám cấp thuốc ARV đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Hầu hết các bệnh nhân đến điều trị tại đây đều có BHYT, vì thế các bệnh nhân được hưởng rất nhiều lợi ích khi thực hiện các dịch khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, phát thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội... đến nay, việc khám, điều trị và cấp thuốc ARV đã được thanh toán bình thường, chưa thấy khó khăn, vướng mắc.

Theo ước tính thì chi phí BHYT phải chi trả cho một bệnh nhân HIV thấp nhất vào khoảng 6 triệu đồng/năm, như vậy số tiền chi cho BHYT đối với 300 bệnh nhân HIV ở huyện Diễn Châu vào khoảng 1,8 tỷ đồng/năm”.

Thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế: HIV/AIDS là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời với chi phí rất lớn. Việc điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ giúp người có HIV sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Hiện nay, chi phí thuốc kháng vi rút ARV phác đồ bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người; phác đồ bậc 2 đắt gấp 7- 8 lần, chưa kể các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ và các dịch vụ đặc thù cũng khá cao. Người nhiễm HIV có xác suất mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao hơn người bình thường nên việc điều trị hết sức tốn kém.

Trong những năm qua, việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay nguồn viện trợ này đã bị cắt giảm để chuyển sang các nước có điều kiện khó khăn hơn. Để đảm bảo tính bền vững trong việc điều trị, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng vi-rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV.

Cùng với đó là hàng loạt giải pháp đã được thực hiện như ban hành các văn bản pháp quy và các hướng dẫn; kiện toàn các cơ sở điều trị; đấu thầu tập trung thuốc ARV…  Hiện nay, cả nước có gần 140 nghìn người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV (đạt khoảng 70% người nhiễm đã được phát hiện).

Bác sĩ CKII Trịnh Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Tính đến 30/9/2019, tổng bệnh nhân đang điều trị ARV tại tỉnh Nghệ An là 4527, trong đó 4281 bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế nhà nước và 246 bệnh nhân điều trị trong 02 trại giam (không đủ điều kiện để cấp thẻ). Có 83/4281 bệnh nhân (chiếm 1.9 %) điều trị tại các cơ sở Y tế nhà nước chưa có thẻ BHYT do bệnh nhân mới chưa kịp mua; thẻ hết hạn thẻ đang làm thủ tục mua; sai thông tin chờ cấp lại thẻ; bệnh nhân mới ra tù chưa kịp mua thẻ; bệnh nhân đang điều trị bị bắt đi trại; bệnh nhân ngoại tỉnh…”.

Bác sĩ Tiến nói thêm: Từ 8/3/2019, Nghệ An chọn Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu làm điểm đầu tiên để khám, điều trị, cấp thuốc ARV  cho người nhiễm HIV từ nguồn quỹ Bảo hiểm Y tế và năm 2020, sẽ triển khai thêm 16 cơ sở tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế 2 chức năng, đưa tổng số cơ sở khám, cấp thuốc  ARV thanh toán từ quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh lên 17. Ở Nghệ An ước tính mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho 4527 bệnh nhân HIV khoảng hơn 27 tỷ đồng. Có thể nói Quỹ BHYT là ngồn tài chính bền vững cho bệnh nhân nhiễm HIV”.

Cần tham gia BHYT đầy đủ

Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) đánh giá cao những nỗ lực phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam: Trên thế giới hiện nay, rất ít quốc gia sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV.  Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng vi rút với mức trên 93%.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế: Công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ .

Nghệ An đang được xem là một trong những trọng điểm của HIV/AIDS, hiện vẫn đang là 1 trong 6 tỉnh có số lượng người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước. Công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là việc điều trị bằng thuốc ARV trong những năm qua đạt được những kết quả đáng kể, được các tổ chức quốc  tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS ghi nhận. Dẫu đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa bền vững, nhất là khi các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cắt giảm, rút đi.

Để duy trì tính bền vững khi nguồn thuốc viện trợ từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm, UBND tỉnh và ngành Y tế Nghệ An đã có sự chủ động trong việc mở rộng, kiện toàn các cơ sở khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS; triển khai khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc thông qua BHYT cho bệnh nhân về tận tuyến xã. Đặc biệt UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 24/01/2017 về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT và chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, có thẻ BHYT, người bệnh có thể được chi trả tới 80% chi phí khám, chữa bệnh, một số trường hợp có thể lên tới 95% hoặc 100%. Ngoài các quyền lợi thông thường theo quy định của pháp luật, người sống chung với HIV sẽ được BHYT chi trả thuốc ARV.

Trao đổi về giải pháp tạo sự bền vững cho việc điều trị HIV/AIDS khi chuyển việc điều trị từ nguồn viện trợ sang nguồn BHYT, bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Để đạt hiệu quả và chất lượng, cần sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm bệnh nhân, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan Bảo hiểm Xã hội và các ban, ngành liên quan. Cụ thể, bệnh nhân nhiễm HIV cần tham gia mua BHYT đầy đủ, tuân thủ các quy định về khám, chữa bệnh. Cơ sở khám, chữa bệnh phải ân cần, tận tụy và cởi mở với người bệnh, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa, phòng, đảm bảo cho bệnh nhân luôn có thuốc để uống. Với cơ quan BHXH, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở điều trị, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn về chế độ thanh, quyết toán trong khám, chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS”.

“Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiện toàn mạng lưới phòng chống HIV/AIDS từ tỉnh đến địa huyện, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của bệnh nhân khi mua BHYT, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc” – Bác sĩ CKII  Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định.


Bài, ảnh: Từ Thành
Ý kiến của bạn