Hơn 50.000 người chưa biết về tình trạng bệnh và bởi vậy, những người này là nguồn truyền bệnh tiềm ẩn. Tính đến tháng 9/2017, 45/63 tỉnh, thành phố đã có tỷ lệ bao phủ BHYT trong số bệnh nhân điều trị bằng ARV đạt trên 80%. Thế nhưng, tại một số nơi, độ bao phủ BHYT trong nhóm đối tượng này vẫn còn thấp, thậm chí có nơi chỉ đạt khoảng 40%.
Còn nhiều khó khăn
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Việc khám chữa bệnh bằng BHYT cho bệnh nhân AIDS gặp khá nhiều khó khăn. Cho đến nay, mặc dù đã có Luật về BHYT, có Luật khám chữa bệnh và hàng loạt các văn bản hướng dẫn về khám chữa bệnh bằng BHYT nói chung nhưng nếu áp dụng với người nhiễm HIV sẽ có rất nhiều người không thể tiếp cận được với điều trị HIV/AIDS qua BHYT”.
Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS chưa đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan BHYT để thanh toán được các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Hiện nay cả nước có 296/403 điểm điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan BHYT (chiếm 73%).
Tính đến tháng 9/2017, 45/63 tỉnh, thành phố đã có tỷ lệ bao phủ BHYT trong số bệnh nhân điều trị bằng ARV, đạt trên 80%. Thế nhưng, tại một số nơi, độ bao phủ BHYT trong nhóm đối tượng này vẫn còn thấp, thậm chí có nơi chỉ đạt khoảng 40%. Việc cần thiết là làm sao để 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT để họ được sử dụng dịch vụ điều trị HIV/AIDS.
Theo quy định, việc mua BHYT cần phải có đầy đủ thông tin cá nhân.Trong khi đó, nhiều bệnh nhân AIDS sợ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, có những bệnh nhân dù có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi để khám, chữa bệnh nhằm che giấu tình trạng bệnh. Cũng có người chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT bởi còn ngóng sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém gấp bội. Mặt khác, hiện nay vấn đề cần được đặt ra là nhiều người nhiễm HIV chưa hiểu hết được lợi ích của BHYT. Một số người cho rằng thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí nên không cần tham gia BHYT. Đó là chưa kể những trường hợp không đủ sức khỏe nên không thể lao động kiếm ra tiền nên không có tiền mua thẻ BHYT.
BHYT sẽ là cứu cánh cho nhiều bệnh nhân AIDS. Ảnh: T.H
Phải tạo mọi điều kiện để người bệnh có BHYT
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân nhiễm HIV khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người đối với bệnh nhân theo phác đồ 1. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 thì chi phí điều trị tăng lên gấp 7-8 lần. Điều đáng nói, tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên, chiếm khoảng 4,5% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV.
Trước kia, thuốc ARV được cấp phát miễn phí dưới sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, nhưng từ năm 2017 các nguồn tài trợ bị cắt giảm. Do vậy, về lâu dài, BHYT là giải pháp hiệu quả nhất để người nhiễm HIV tiếp cận việc điều trị.
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT thì cần phải hoàn thiện hệ thống thanh toán BHYT tại các cơ sở điều trị trên cả nước. Đồng thời, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT.
Được biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y tá, bác sĩ tại các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến có chức năng khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS để tạo điều kiện cho họ được cấp chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, cán bộ y tế phải hiểu, thông cảm và đồng cảm với người bệnh.Thực hiện những quy định về giấy tờ, hồ sơ phải được mã hóa, bảo mật bệnh tật của người bệnh; bảo đảm thông tin về HIV không tiết lộ ra ngoài, chỉ hạn chế trong các cơ sở điều trị và cơ quan BHYT. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh nhiễm HIV/AIDS phải vượt qua được sự kỳ thị bởi đây là cuộc chiến đấu lâu dài, cho nên không thể giấu suốt đời.