Hà Nội

Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV: Xương sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững

25-06-2018 06:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế nhất là khi điều trị ARV là liên tục và suốt đời.Từ 01/01/2019 bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân HIV qua BHYT.

83,4% người nhiễm HIV điều trị bằng ARV có thẻ BHYT

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc triển khai bảo hiểm y tế (BHYT). Hiện cả nước đã có tới 83,4% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV) có thẻ BHYT trong đó có 5 tỉnh, thành phố có 100% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT và 30 tỉnh, thành phố tỷ lệ này đạt trên 90%. Nhiều văn bản và hành lang pháp lý đã được ban hành. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đã và đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV không chỉ về kỹ thuật mà cả bằng những nguồn tài chính quan trọng.

Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên sử dụng nguồn bảo hiểm cho điều trị HIV.

Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên sử dụng nguồn bảo hiểm cho điều trị HIV.

Tại Hội nghị “Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc kháng HIV và hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT” mới đây, bà Stephanie De Goes, Điều phối viên Chương trình PEPFAR tại Việt Nam cho rằng: BHYT là cột sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của một quốc gia. Trong nhiều năm qua, PEPFAR đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác và Bộ Y tế để triển khai nhằm tăng độ bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV cũng như cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và là nước thành công nhất trong số các nước mà PEPFAR đang hỗ trợ trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV.

Bà Nguyễn Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam,nhận định: Chương trình HIV quốc gia được đánh giá là đi tiên phong trong tất cả các chươngtrình y tế công cộng hiện nay ở Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên sử dụng nguồn bảo hiểm cho điều trị HIV ở Khu vực Tây Thái Bình Dương với lộ trình rõ ràng và những bước đi chắc chắn.

Hướng tới 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT

Đối với người nhiễm HIV, nguy cơ lớn nhất khi không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, gia tăng tình trạng kháng thuốc, khi đó công tác điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém gấp bội phần.

Được biết, từ 01/01/2019 bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân qua BHYT, các địa phương cần tiếp tục khẩn trương, chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV, để hướng tới 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nới rộng tiêu chuẩn cơ sở điều trị HIV/AIDS để làm sao nhiều cơ sở y tế có thể tham gia điều trị ARV.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ BHXH Việt Nam lồng ghép quản lý bệnh nhân HIV/AIDS, dữ liệu điều trị ARV vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân của BHYT trong hệ thống chung cả nước. Có như vậy, chúng ta mới có cơ sở dữ liệu quốc gia điều trị ARV để việc quản lý việc điều trị HIV/AIDS được tốt hơn.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn