Bảo hiểm xã hội - Cân đối tạo bình đẳng công tư

09-08-2014 06:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Khoảng năm 2036 sẽ xảy ra mất cân bằng giữa mức hưởng và mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động

Theo tính toán, nếu cứ duy trì cách tính tuổi nghỉ hưu và mức đóng như hiện nay thì khoảng năm 2036 sẽ xảy ra mất cân bằng giữa mức hưởng và mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động. Do đó, việc cân nhắc và đề xuất nhằm đảm bảo cân bằng quỹ và mức được hưởng cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu là một trong những vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động cơ bản được thực hiện theo hai phương pháp tính: Một là tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối trước khi nghỉ hưu; Hai là tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian công tác có đóng BHXH. Từ đó dẫn đến sự chênh lệch tiền lương hưu của người lao động giữa hai khu vực (Nhà nước và ngoài Nhà nước) là khá lớn, tạo nên sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng chế độ hưu trí giữa những người tham gia BHXH. Vì vậy, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này đã đưa ra những giải pháp để giảm thiểu sự bất bình đẳng này, tạo sự công bằng tương đối giữa những người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.

Theo Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sửa đổi luật lần này sẽ cố gắng để khu vực nhà nước và khu vực bên ngoài sẽ bình đẳng như nhau, cùng một công thức tính nhưng sẽ có bước đi phù hợp. Tuy nhiên, để rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng như hiện nay thì không thể tiến hành trong một sớm một chiều mà cần phải có một lộ trình thích hợp. Theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sẽ sửa đổi để làm sao cho bình đẳng giữa hai khu vực công - tư. Hiện nay, về công thức tính lương hưu thì có khác nhau giữa khu vực công và khu vực tư mà vì vậy lần này sẽ thiết lập một lộ trình để đảm bảo đến một thời điểm nào đó, dự kiến là 2018 hoặc là sẽ kéo dài thêm 1 lộ trình nữa khoảng 5 năm để đảm bảo cả khu vực công, khu vực tư đều bình đẳng dựa trên công thức tính lương hưu.

Sự bình đẳng phải được nhìn nhận một cách toàn diện trên bình diện tổng nghĩa vụ và tổng quyền lợi thực tế từng đối tượng đã thụ hưởng. Thiết nghĩ, việc sửa đổi luật để người lao động lần này là một yêu cầu thiết yếu đặt ra đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Minh Chuyên


Ý kiến của bạn