Hà Nội

Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp: “Giá đỡ” của người lao động

29-03-2021 10:36 | Xã hội
google news

SKĐS - Đối với công nhân (CN) có tham gia BHXH, chẳng may bị tai nạn lao động (TNLĐ), suy giảm khả năng làm việc, quỹ BHXH sẽ chi trả chế độ trợ cấp TNLĐ.

Sự hỗ trợ đó đã phần nào xoa dịu nỗi đau, là “cứu cánh” khi CN gặp cảnh không may.

Chị Bùi Thị Quỳnh, sinh năm 1987, ở Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đang là công nhân Công ty TNHH Haesung Vina, Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Vừa qua, trên đường từ nhà đi làm chị Quỳnh không may bị tai nạn giao thông, hậu quả khiến chị bị gãy xương đòn và chấn thương phần mềm phải nghỉ việc 2 tháng để điều trị. Chị Quỳnh tham gia BHXH nên đã nhận được sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN với số tiền chi trả trên 20 triệu đồng. Sự hỗ trợ kịp thời từ quỹ đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục làm việc.

An toàn lao động là bảo vệ chính bản thân công nhân. (ảnh minh họa)

An toàn lao động là bảo vệ chính bản thân công nhân. (ảnh minh họa)

Hay như bà Nguyễn Thị Kim, 54 tuổi ở phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên bị tai nạn trên đường từ nhà đi làm. Hậu quả sau tai nạn khiến bà bị gãy 3 xương sườn và chấn thương não. Bà Kim tham gia BHXH nên đã được sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN với số tiền hỗ trợ hơn 10 triệu đồng.

Đó chỉ là 2 trong nhiều trường hợp người lao động bị TNLĐ và nhận được sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong thời gian qua. Tính từ năm 2018 đến 2020, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết và chi trả chế độ TNLĐ, BNN cho hơn 120 người lao động. Trong đó, trợ cấp TNLĐ một lần với 81 trường hợp, trợ cấp TNLĐ hằng tháng 22 trường hợp, còn lại là trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng và trợ cấp tử vong do TNLĐ, BNN.

Với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành BHXH thời gian qua nên hồ sơ, thủ tục giải quyết các chế độ TNLĐ, BNN ngày càng được đơn giản hóa. Đơn cử, trước kia khi giải quyết chế độ TNLĐ, BNN lần đầu phải có sổ BHXH; các giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú; biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ; biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự, quân đội... thì nay đã bãi bỏ các thủ tục nêu trên.

Những năm gần đây, TNLĐ đang có chiều hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, việc tham gia BHXH nói chung và bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng là sự cần thiết cho người lao động. Tại điều 2, Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng quy định rất rõ đối tượng áp dụng bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người lao động và cả người sử dụng lao động bỏ qua chiếc “phao cứu cánh” quan trọng này, thờ ơ trước những rủi ro đang rình rập bất cứ lúc nào.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở những công trình xây dựng hình ảnh những công nhân sơn, thợ xây không mang đồ bảo hộ đứng vắt vẻo trên một tấm ván bắc ngang những giàn giáo tạm bợ, không có bất kỳ một dụng cụ bảo hộ lao động nào, bên dưới giàn giáo không hề có lưới che chắn. Đó là hình ảnh thường thấy ở các công trình xây dựng, nhất là các công trình tư nhân, xây dựng nhỏ lẻ mà người sử dụng lao động và người lao động chỉ có “hợp đồng miệng”. Môi trường làm việc khắc nghiệt, hiểm nguy luôn rình rập nhưng lại không có bất cứ đồ bảo hộ lao động hay bảo hiểm tai nạn lao động thì nếu có rủi ro người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là chính người lao động.

Để hạn chế TNLĐ, BNN, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động về việc chấp hành nghiêm quy định đóng bảo hiểm cho người lao động thì hơn hết cần phải nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.       


Cảnh Hưng
Ý kiến của bạn