Công nhân cần trang bị kiến thức về an toàn lao động. (Ảnh minh họa)
Liên quan đến vấn đề người lao động tham gia nhiều bảo hiểm tai nạn lao động, khi bị tai nạn lao động thì cách tính tiền hỗ trợ cho người lao động sẽ như thế nào, bà Nguyễn Thị Thiên Nga, Công ty cổ phần Applianez Việt Nam thắc mắc, đối với người lao động có nhiều hợp đồng lao động, thì công ty sẽ tham gia 0,5% tai nạn lao động đối với công ty thứ 2 trở lên phải không? Và khi người lao động bị tai nạn lao động thì cách tính tiền bảo hiểm tai nạn lao động đối với trường hợp này là như thế nào? Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh trả lời: “Vấn đề hợp đồng lao động thứ 2 trở đi thì người sử dụng lao động phải đóng 0,5% tiền lương vào Quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Khi người lao động bị tai nạn lao động thì do người lao động đóng trên nhiều hợp đồng lao động nên khi giải quyết chế độ sẽ cộng tất cả tiền lương của các hợp đồng đó, nhưng mức tối đa là 20 lần lương cơ sở, để làm cơ sở tính trợ cấp tai nạn lao động cho người lao động”.
Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều cải cách hành chính nhằm giúp người lao động cũng như doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu, thực hiện các quy định theo luật. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi mong muốn làm sao để các anh chị, ngồi tại cơ quan, đơn vị nhưng vẫn thực hiện được các giao dịch mà không phải đến cơ quan Bảo hiểm xã hội. Và hiện nay, chúng tôi cũng đang thực hiện giao dịch điện tử về chế độ Bảo hiểm xã hội, đây là thời kỳ đầu. Sắp tới, khi hệ thống ổn định, chúng tôi sẽ bỏ hẳn hồ sơ giấy. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã xây dựng một ứng dụng trên thiết bị di động để người lao động cài đặt và xem được quá trình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của mình”.
Chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta. Trong đó, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một thành phần, do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho người lao động, nhằm bảo đảm hơn đời sống của những lao động khi gặp các rủi ro tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, cần trang bị kiến thức cho người lao động và sử dụng lao động hiểu biết quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.