Không ít tòa nhà chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn giao nhà và cho cư dân về ở. Điều này lại dấy lên những lo ngại về an toàn PCCC đang bị bỏ ngỏ.
Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, tất cả nhà chung cư, khách sạn, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Mức phí bảo hiểm bắt buộc này được áp dụng là 0,05%/năm giá trị tài sản phải đóng bảo hiểm bắt buộc đối với nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động sprinkler và 0,1%/năm đối với nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động sprinkler.
Thông thường, nhà chung cư được cấu thành từ hai phần là giá trị xây dựng (bên ngoài) và tài sản bên trong (bao gồm nội thất, đồ gia dụng...). Người dân có thể lựa chọn mua bảo hiểm cho một phần hoặc cả hai phần. Với căn hộ có giá khoảng 1 tỷ đồng, với mức 0,1%, tương đương khoảng 1 triệu đồng/năm. Trong trường hợp xảy ra tổn thất đối với tài sản bên trong ngôi nhà, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường theo giá trị tổn thất thực tế của ngôi nhà và tài sản trong nhà. Tuy nhiên, số tiền bồi thường sẽ không vượt quá giá trị tham gia bảo hiểm.
Ngoài bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, khách hàng có thể lựa chọn tham gia thêm các sản phẩm bảo hiểm bổ sung gồm giông bão, lũ lụt, trộm cướp, nước tràn từ bể chứa, đâm va với xe cộ, súc vật... Phí bảo hiểm được căn cứ vào mức độ của rủi ro cháy nổ, các rủi ro khác chiếm tỷ trọng thấp hơn trong tổng số phí bảo hiểm.
Tuy nhiên không ít chủ hộ, sau khi được doanh nghiệp bảo hiểm tư vấn và báo mức phí đóng đã lắc đầu và không muốn bỏ chi phí vì sự an toàn cho cuộc sống của mình. Đồng thời, họ viện dẫn công tác PCCC phải xuất phát từ chủ đầu tư mới quan trọng.
Liên quan đến an toàn cháy nổ tại các chung cư, sau liên tiếp các vụ cháy xảy ra tại khắp cả nước, nhưng đến nay, câu chuyện về PCCC tại các chung cư vẫn giữ nguyên độ “hot”, khi mà tình trạng mất an toàn cháy nổ ở nhiều chung cư chưa có sự cải thiện. Nhiều chung cư đã đi vào sử dụng 2 năm, vẫn chưa nghiệm thu hệ thống PCCC. Đến khi có sự cố trong căn hộ, nhưng hệ thống báo cháy hoàn toàn “tắt tiếng”, cho đến khi khói bốc nghi ngút ra bên ngoài, bảo vệ tòa nhà mới phát hiện và dập tắt. Đây là dấu hiệu cho thấy, hệ thống báo cháy của chung cư có sự cố liên quan đến cháy nổ.
Dường như, nhiều chung cư bị cảnh báo, thậm chí bị bêu tên trên truyền thông về an toàn PCCC, nhưng chủ đầu tư vẫn thờ ơ chưa chịu khắc phục. Người dân thì vẫn ở và nỗi lo thì vẫn còn đó. Hỏa hoạn có thể ập đến bất cứ lúc nào đối với một công trình không bảo đảm các điều kiện về PCCC và có thể gây ra hậu quả nặng nề.
Vấn đề đặt ra là, tại sao cơ quan chức năng không mạnh mẽ, kiên quyết hơn trong việc buộc chủ đầu tư tạm di dời dân ra khỏi công trình không bảo đảm an toàn về PCCC. Còn việc di dời đi đâu, chi phí ở tạm như thế nào thì tất nhiên chủ đầu tư phải gánh chịu. Nếu xử lý như hiện tại thì người dân không những không được an cư, mà ngược lại, phải sống trong môi trường đầy ẩn họa về cháy nổ. Biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho sức khỏe và tính mạng người dân là phải cách ly họ ra khỏi môi trường sống không bảo đảm đó. Đối với những công trình cố tình vi phạm, các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại cần mạnh tay hơn nữa, không chỉ buộc chủ đầu tư di dời cư dân, mà còn phải phong tỏa tòa nhà không cho hoạt động cho đến khi được xác nhận an toàn.
Vấn đề PCCC sẽ khó khả thi nếu cả người dân và chủ đầu tư cùng thờ ơ với chính cuộc sống của mình.