Bạo hành y tế: Có phải thầy thuốc đang đơn độc?!

24-04-2018 15:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Khi nào bạo hành y tế chưa được ngăn chặn triệt để bằng những chế tài đủ sức răn đe, đủ sức phòng ngừa riêng và giáo dục chung, xin đừng đòi hỏi người thầy thuốc tận tâm với nghề, tận lực cống hiến!.

Chọn nghề Y, họ chấp nhận làm việc với cường độ cao, áp lực lớn, phơi mình trước những nguy cơ, rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Xin đừng để họ vừa chăm sóc sức khỏe cho người dân, vừa nơm nớp lo cho sự an nguy của chính mình!

Vụ hành hung bác sĩ Xanh Pôn chưa kịp dịu xuống ngay cả khi cơ quan công an quận Ba Đình đã khởi tố bị can đối với Trương Văn Thanh (32 tuổi, ở quận Ba Đình) về hành vi gây rối trật tự công cộng khi người đàn ông này đấm liên tiếp vào mặt bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở Bệnh viện Xanh Pôn, khi bác sĩ này giải thích về cách xử trí vết thương cho con trai anh ta, thì ngày 23/4 tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, người nhà bệnh nhân lại “náo loạn” bệnh viện khi cầm dao doạ nạt bác sĩ trong khi bác sĩ đang cố cấp cứu cho chính người thân của mình. Dường như bạo hành y tế ngày càng leo thang.

Sự việc ở BV Xanh Pôn xảy ra lúc 23 giờ 30’ ngày 13/4, tại Khoa Phẫu thuật tạo hình. Lúc này, những người làm việc trong các ngành nghề khác đã nghỉ ngơi; nhiều người đã ngủ. Bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở Bệnh viện Xanh Pôn cũng như bao đồng nghiệp của anh - vì đã chọn một nghề hết sức đặc thù - nên vẫn làm việc. Một công việc ngày càng gặp nhiều nguy hiểm!

Bố bệnh nhi đánh bác sĩ tại BVĐK Xanh Pôn.

Đoạn video bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi hành hung đã làm buổi sáng của tôi biến mất, chỉ còn lại cảm giác giận dữ và đau đớn. Tôi nghĩ, cha mẹ, anh chị em của bác sĩ đó, nếu xem clip này, không khỏi bật khóc vì uất hận.  Mặc dù sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã khởi tố bị can đối với Trương Văn Thanh (32 tuổi, ở quận Ba Đình) về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nhưng vẫn không khỏi làm tôi nhức nhối

Khi con em họ thi đậu, bước qua cánh cửa rất hẹp của trường Y, chắc hẳn họ tự hào biết bao. Khi con em họ vượt qua 6 năm đại học, cầm tấm bằng tốt nghiệp và tìm được chỗ làm ở một bệnh viện như Xanh Pôn, chắc hẳn họ vui sướng biết bao. Làm sao có thể ngờ rằng đến một ngày, con mình bị người nhà bệnh nhân hành hung trong lúc đang làm việc! Và những ông bố bà mẹ nghèo khó, chắt chiu mồ hôi nuôi con học ở trường Y không thể ngờ rằng con mình có thể bị đánh, bị sỉ nhục bằng cách bắt phải quỳ… trong lúc đang làm việc tại bệnh viện. Rồi khi vụ việc được thông tin, thay vì lên án hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín của thầy thuốc, một số người lại đặt câu hỏi: “Bác sĩ đã nói gì với người nhà bệnh nhân để bị đánh?” “Chắc phải thế nào thì mới bị đánh chứ?” "Không có lửa làm sao có khói..". Những câu hỏi kiểu như thế chính là nắm đấm tiếp theo, vô tình và tàn nhẫn giáng vào người thầy thuốc, vào cộng đồng y khoa.

“Phải thế nào” là thế nào? Nếu bác sĩ giải thích không rõ ràng, chậm trễ trong việc xử trí vết thương… thì “xứng đáng” bị hành hung ư? Đến bất kỳ cơ quan nào để giải quyết công việc, nếu nhân viên công quyền chậm trễ, thậm chí gây khó dễ, có ai dám dùng nắm đấm để “nói chuyện”, hay dù bực bội đến đâu thì vẫn cứ phải “đi nhẹ nói khẽ”? Vậy thì tại sao chỉ ở các cơ sở y tế, khi không vừa ý điều gì thì người nhà bệnh nhân/bệnh nhân có thể lớn tiếng quát tháo, sỉ nhục, hành hung thầy thuốc? Vì họ biết, giờ đây, đối với nhân viên y tế, mình là khách hàng, là trung tâm. Khách hàng là thượng đế. Khách hàng luôn luôn đúng, còn thầy thuốc thì không thể phản kháng!

“Chắc phải thế nào thì mới bị đánh chứ?”. Từ bao giờ, một số người chọn bạo lực để giải quyết vấn đề, tại một nơi rất đặc thù, là bệnh viện? Từ bao giờ, chúng ta thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, và xem việc gây tổn hại đến sức khỏe, đến sự an nguy của thầy thuốc là rất… bình thường? Vì ngành Y có những “con sâu làm rầu nồi canh”? Người ta vin vào những “con sâu” đó và tự cho mình có quyền sỉ nhục, bạo hành thầy thuốc, không cần biết có bao nhiêu bác sĩ, điều dưỡng… phải đi sớm về muộn, chong mắt suốt đêm nơi “tuyến đầu” của bệnh viện; bao nhiêu thầy thuốc chấp nhận phơi nhiễm tia phóng xạ, đối mặt với nguy cơ bị lây các bệnh truyền nhiễm; bao nhiêu thầy thuốc tận tụy chăm lo cho sức khỏe của người dân mà quên đi bản thân mình!

Xin đừng để bác sĩ vừa chăm sóc sức khỏe cho người dân, vừa nơm nớp lo cho sự an nguy của chính mình.


Có phải những người thầy thuốc đang đơn độc - Câu hỏi đó như tiếng vọng day dứt sau hang loạt các vụ hành hung bác sĩ ở các bệnh viện. Có phải vì vậy mà ngành Y tế phải cầu viện đến sức mạnh của lực lượng vũ trang? Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Chỉ khi có công an cắm chốt tại bệnh viện, ở những điểm nóng liên quan đến cấp cứu, điều trị thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng hành hung bác sĩ”.

Chợt nghĩ, để các thầy thuốc ứng phó với công việc ngày càng nguy hiểm, lẽ nào trường Y phải đưa võ thuật vào giảng dạy, và các bệnh viện phải trang bị võ thuật cho nhân viên y tế? Mới đây, một số Bệnh viện đã thuê võ sư dạy võ cho thầy thuốc để ứng phó với nạn bạo hành y tế đang ở mức báo động. Vẫn biết học võ tốt cho sức khỏe, giúp nâng cao thể lực và tự tin hơn khi ứng phó với những xung đột, bất trắc, nhưng khi đọc bài viết về việc các thầy thuốc học võ để phòng thân, tôi thật sự thấy chạnh lòng, vì điều đó cho thấy sự đơn độc của những người làm nghề Y.

Thầy thuốc cũng là con người, cũng biết vui biết buồn, cũng mệt mỏi, căng thẳng những khi phải làm việc quá sức; cũng lo lắng, thiếu tập trung những khi con ốm, cha mẹ già ở quê bệnh đau; cũng có thiếu sót, sai lầm như bao người… Có khác chăng là họ đã chọn nghề Y nên phải làm việc luôn trưa luôn tối, không có ngày lễ, tết, không có những bữa cơm trọn vẹn bên gia đình… Chọn nghề Y, họ chấp nhận làm việc với cường độ cao, áp lực lớn, phơi mình trước những nguy cơ, rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Xin đừng để họ vừa chăm sóc sức khỏe cho người dân, vừa nơm nớp lo cho sự an nguy của chính mình!

Khi nào bạo hành y tế chưa được ngăn chặn triệt để bằng những chế tài đủ sức răn đe, đủ sức phòng ngừa riêng và giáo dục chung, xin đừng đòi hỏi người thầy thuốc tận tâm với nghề, tận lực cống hiến!

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả


Phương Trà
Ý kiến của bạn