Bạo hành trẻ em:“Bệnh” đã hết thuốc chữa?

29-09-2014 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 9, đã có 3 vụ bạo hành và nghi vấn lạm dụng trẻ em khiến dư luận bất bình. Điều đáng nói là trẻ em khuyết tật cũng không tha thứ.

Vài vụ điển hình

Mới đây nhất, liên quan đến vụ việc cháu bé 29 tháng tuổi bị nhét chai rượu và băng vệ sinh vào mồm đang được điều trị tại BV Nhi TW, phóng viên báo SK&ĐS đã trao đổi với ThS.BS. Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - BV Nhi TW, người trực tiếp điều trị cho bé để có những thông tin cần thiết về sức khỏe cháu bé sau vụ nghi bị người thân trong gia đình bạo hành. Theo ghi nhận ban đầu từ bệnh án tại BV Nhi TW cho thấy: Bệnh nhi là cháu N.K.L, 29 tháng tuổi, nhập viện vào chiều ngày 24/9 trong tình trạng lơ mơ, hốt hoảng, sưng vùng mắt và mặt... Qua thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ cho biết, cháu bị chấn thương đa phần mềm, phổi tổn thương nhẹ, gãy 4 răng. Sau khi thăm khám, các bác sĩ tiến hành điều trị giảm đau, đồng thời cùng gia đình và các bác sĩ hỗ trợ cả về tâm lý, nhưng sau 24 tiếng trẻ vẫn lơ mơ, không ăn gì, gọi hỏi không đáp kể cả là người thân.

Cháu N.K.L. đang điều trị tại BV Nhi TW (ảnh chụp ngày 26/9).

Tính đến thời điểm này, sau 48 tiếng thăm khám và điều trị (cùng thời điểm PV vào làm việc), theo các bác sĩ, tạm thời cháu bé không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, vấn đề mà các bác sĩ cũng như gia đình lo ngại nhất chính là các sang chấn tâm lý. BS. Ngô Anh Vinh giải thích thêm, với đa phần các chấn thương phần mềm thì hoàn toàn có thể hồi phục, nhưng chúng tôi lo ngại về những tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng về lâu về dài. Những tổn thương này cực kỳ nghiêm trọng, nếu gia đình và các tổ chức xã hội không có các biện pháp hỗ trợ hợp lý, những tổn thương về mặt tinh thần này có thể đi theo đến suốt cuộc đời.

Được biết, ngay sau đó, Công an TP. Việt Trì (Phú Thọ) đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Kim Thanh (48 tuổi, ở phường Minh Phương, TP. Việt Trì về tội cố ý gây thương tích trẻ em trong trường hợp trên.

Cùng thời gian đó, tại khách sạn Hoàng Anh (xã Nghi Phú, TP. Vinh), nhân viên hốt hoảng phát hiện cháu Nguyễn Anh Tú đang bị hôn mê tại phòng; tóc, lông mày, bộ phận sinh dục và nhiều nơi trên người bị đốt; hai tai bị cắn bầm giập; lở loét hậu môn... Hay trường hợp của bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi, ở phường Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương), bà con xóm trọ phát hiện bé Ngân đang nằm trong phòng với tình trạng bất tỉnh, toàn bộ mặt bị sưng húp, máu đọng quanh mắt khiến cháu không mở mắt được. Nghi can do chính mẹ ruột và cha dượng gây ra.

Có đủ sức ngăn chặn!?

Bạo hành trẻ chưa vị thành niên (VTN) hay trẻ khuyết tật thực ra đã xảy ra từ lâu nhưng thực tế đáng buồn là ở chỗ những vụ bạo hành này nếu không có sự vào cuộc của giới truyền thông thì hình như cộng đồng coi đó là chuyện thường ngày, hầu như sự phát hiện, ngăn chặn và tác động của các tổ chức chính quyền địa phương là rất hạn chế. Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cho biết: Thực tế những trường hợp mà PV nêu trên là hệ quả của cuộc sống hôn nhân tạm bợ, nghèo khó, thiếu sự giáo dục của cộng đồng xã hội và tại các cơ sở làm việc. Đau lòng hơn, những trường hợp này lại xảy ra nhiều ở vùng công nhân các khu công nghiệp. Bà Giang cũng chia sẻ thêm, những nguyên nhân trẻ VTN hay trẻ khuyết tật bị xâm hại nhiều hơn vì những đối tượng này thường thiếu kỹ năng sống. Thực sự, hiện nay chúng ta vẫn né tránh về vấn đề giáo dục giới tính hay kỹ năng sức khỏe sinh sản - tình dục với các đối tượng này. Điều đáng nói, trong khi đó nhận thức về cuộc sống rất hạn chế, trẻ em khuyết tật luôn có nhu cầu chia sẻ thông tin từ gia đình hoặc cộng đồng, tuy nhiên hầu như gia đình chỉ chú trọng đến nuôi dưỡng, bỏ qua chia sẻ.

Đứng trên phương diện pháp lý, Luật sư Vũ Tiến Thành, Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, tội cố ý gây thương tích cần phải dựa trên tỷ lệ thương tật và hành vi gây án. Ví dụ, căn cứ theo kết luận giám định pháp y về tỷ lệ thương tích, rất có thể người trực tiếp gây ra thương tật phải chịu hình phạt theo quy định tại Khoản 2 hoặc 3 Điều 104 BLHS với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù, cụ thể: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31 - 60% hoặc từ 11 - 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ Điểm a đến Điểm k, Khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31 - 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Đặc biệt theo quy định tại điều 110 BLHS, tội hành hạ người khác: theo đó người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác có hệ thống (ở đây, phạm tội hành hạ đối với trẻ em, người không có khả năng tự vệ - PV) thì luôn đi kèm với tình tiết tăng nặng.

Như vậy có thể thấy, mặc dù các quy định của pháp luật là rất nghiêm khắc, tuy nhiên vẫn còn đó bạo hành trẻ em. Trách nhiệm này không thể chỉ có cá nhân, gia đình mà bản thân các tổ chức tại cộng đồng cũng có một phần trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến bạo hành trẻ em.

Minh Phong


Ý kiến của bạn