Trung Quốc là một quốc gia có tỷ lệ nạn bạo hành nhân viên y tế khá cao. Từ năm 2000, tỷ lệ bạo lực với nhân viên y tế tăng lên 11% mỗi năm. Số liệu thống kê của Bộ y tế cho biết số vụ bạo động bệnh viện và nhân viên y tế tăng từ 10.000 vụ năm 2005 lên hơn 17.000 vụ trong năm 2010. Chỉ trong năm 2012 có 7 nhân viên y tế bị giết chết, chiếm khoảng một nửa người chết trong 9 năm trước đó. Năm 2013, một bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi - Họng tại một bệnh viện của tỉnh Chiết Giang bị bệnh nhân sát hại sau phẫu thuật vì anh ta không hài lòng. Sự việc này đã tạo ra một cú shock lớn cho nhân viên y tế ở Trung Quốc. Sau đó, hàng trăm nhân viên y tế đã tập hợp lại yêu cầu chính phủ tạo một môi trường làm việc an toàn. Và chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng này.
Tại Ấn Độ, Năm 2015, Hiệp hội y khoa cho biết có khoảng 75% các bác sĩ phải đối mặt với một số hình thức bạo lực. Đỉnh điểm là vụ hành hung 4 bác sĩ trẻ vào tháng 3 năm 2017 tại thành phố Mumbai. Sau đó, có hơn 2.000 bác sĩ từ 17 bệnh viện trong thành phố này đã tổ chức đình công trong 4 ngày để phản đối nạn bạo lực. Được biết, Ấn Độ là một trong những quốc gia dân số có tỷ lệ mù chữ chiếm khá cao.
Ở nước ta, theo Tổng hội Y học Việt Nam cho biết trong giai đoạn 2010-2017 có 22 vụ bạo hành cán bộ y tế (khoảng 3 vụ/năm). Nghiêm trọng nhất là vụ bác sĩ Phạm Đức Giàu- Bệnh viện huyện Vũ Thư (Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân sát hại ngay trong ca trực ngày 15/8/2018. Gần đây nhất là vụ hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung của bệnh viện Sản Nhi- Yên Bái sau khi phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân thì chính bị người thân sản phụ hành hung dã man dẫn đến thương tích nặng cho 2 bác sĩ vào ngày 20/2/2018. Thiết nghĩ, đây là con số bề nổi được phát hiện và báo chí đưa tin, còn hàng trăm vụ bạo hành y tế mà nhân viên y tế thầm lặng chịu đựng hoặc không báo cáo. Tôi có nhiều đồng nghiệp kể lại người nhà bệnh nhân chạy vào phòng tiểu phẫu dùng dao dí vào cơ thể bác sĩ và bắt phải khâu cho người nhà anh ta một cách cẩn thận nếu không bị giết. Ngoài ra, nhục mạ nhân viên y tế xảy ra như cơm bữa.
Nhân viên y tế bị tấn công tại Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng
Trong nhiều nghiên cứu của các tác giả nước ngoài và qua thực tiễn tại nước ta những vụ bạo hành y tế thường xảy ra tại: (1) Khoa Cấp cứu, (2) Khoa điều trị tích cực, (3) Khoa khám bệnh, (4) Khoa gây mê hồi sức,…những khoa công việc mang tính chất khẩn cấp, liên quan tức thời đến tính mạng người bệnh và liên quan đến chế độ chính sách. Những đối tượng thường gây bạo hành thường gặp nhóm người: say rượu, sử dụng ma túy, lối sống côn đồ, tính tình nóng nảy…
Một số giải pháp hạn chế nạn bạo hành nhân viên y tế:
- Quốc hội cần xây dựng Luật phòng chống bào hành nhân viên y tế
- Khi có sự cố y khoa xảy ra báo chí đưa tin sự việc phải hết sức công bằng và tham vấn các nhà chuyên môn. Tránh tác động tiêu cực đến xã hội và nhân viên y tế.
- Chính phủ nên có chính sách tài chính tốt, khuyến khích nhân viên y tế làm việc mà không phải lo lắng đến điều kiện sống của họ. Mục đích của bệnh viện là chăm sóc sức khỏe nhân dân hơn là thu nhập của bệnh viện.
- Phần mềm quản lý bệnh viện nên thêm phần quản lý cảnh báo những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đó có xu hướng bạo lực để các nhân viên y tế thận trọng trong ứng xử, chăm sóc và điều trị.
- Nhân viên y tế phải cải thiện khả năng giao tiếp với người bệnh. Đặc biệt các bác sĩ phẫu thuật phải tuân thủ các quy trình chuyên môn xem bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật là anh chị em hay bố mẹ của mình.
Nghề y chúng tôi là một nghề đặc biệt, nghề cứu người. Hãy để cho chúng tôi có một tinh thần thoải mái khi chăm sóc sức khỏe cho các bạn.