Tuy nhiên, khi vừa quay đi, bệnh nhân bất ngờ vùng lên túm tóc, “lên gối” đánh nữ điều dưỡng. May mắn cú “lên gối” này không ảnh hưởng đến thai nhi của nữ điều dưỡng nhưng cũng khiến chị sưng tím trán và sợ hãi về tinh thần...
Bệnh nhân giật tóc, “lên gối” đánh nữ điều dưỡng
Chia sẻ với báo chí ngày 7/11, PGS.TS. Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn (BV Việt Đức) cho biết sự việc xảy ra tại BV Việt Đức lúc 16h45 phút chiều 4/11, sau 8 ngày bệnh nhân nhập viện vì chấn thương hàm mặt sau tai nạn giao thông. Khi nữ điều dưỡng trên hỗ trợ cùng người nhà giữ bệnh nhân nằm trên giường do anh này bị kích thích, xong việc cô đã bị chính bệnh nhân hành hung. Rất may mắn, khi bị đánh, theo phản xạ của người mang bầu, cô đã cúi thấp, lấy hai tay ôm bụng nên cú “lên gối” rất mạnh của bệnh nhân chỉ trúng vùng trán khiến nữ điều dưỡng sưng tím vùng trán, thai nhi không bị ảnh hưởng.
Nhiều vụ bạo hành nhân viên y tế xảy ra trong thời gian gần đây.
Trước đó, được biết, nam bệnh nhân này đã “cà khịa” với nhân viên y tế và bảo vệ ở Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cùng ngày.
Theo hồ sơ bệnh án, nam bệnh nhân L.T.D (35 tuổi, An Dương, Hải Phòng) sau khi được sơ cấp cứu tại BVĐK Kiến An và BV Việt Tiệp - Hải Phòng đã được chuyển lên BV Việt Đức vào ngày 27/10 do chấn thương nặng vùng hàm mặt sau tai nạn giao thông. Bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương nặng vùng hàm mặt kèm theo chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín, được theo dõi tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh (BV Việt Đức). Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật hàm mặt cho bệnh nhân, cử nữ điều dưỡng trên lên đón bệnh nhân về Khoa Phẫu thuật hàm mặt, tạo hình và thẩm mỹ để chuẩn bị cho ca phẫu thuật thì xảy ra sự việc trên.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc gây nghiện, có biểu hiện kích thích, khó chịu. Người nhà cũng đã xin lỗi nhân viên y tế về hành vi hành hung nhân viên y tế. “Mặc dù bệnh nhân có dấu hiệu ảo giác và sau khi hành hung nhân viên y tế nhưng với quan điểm vì người bệnh nên bệnh viện vẫn điều trị bệnh nhân đến cùng. Bệnh nhân vẫn được thực hiện ca mổ hàm mặt hôm 6/11 và chuyển xuống Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn để theo dõi điều trị”, PGS.TS. Nguyễn Đức Chính cho biết.
Được biết, đối với trường hợp bệnh nhân này, BV đã phải mời bác sĩ chuyên khoa về điều trị nghiện chất của Viện Sức khỏe Tâm thần - BV Bạch Mai sang hội chẩn để phối hợp điều trị. Qua thăm khám cho thấy, hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng vẫn còn ảo giác và cho biết có nghe tiếng nói thúc giục trong đầu. Vì thế, hiện bệnh nhân đang được điều trị ảo giác.
Theo PGS. Chính, sự việc này là một trong những áp lực, rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt. Nhân viên y tế không chỉ bị áp lực về tinh thần mà còn về thể xác. “Đôi khi trong phòng khám, bệnh nhân đang xếp hàng trật tự, bỗng nhiên có người chen vào lớn tiếng đòi khám trước, đó cũng là một áp lực với nhân viên y tế. Thực tế, nhiều bác sĩ đã chịu đe dọa về tinh thần, ảnh hưởng về thể xác. Chính bản thân tôi có lần cũng đã đối mặt với tình huống bệnh nhân vác ghế đe dọa”, TS. Chính chia sẻ.
90% vụ bạo hành xảy ra khi nhân viên y tế đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân
Liên quan đến vấn đề bạo hành nhân viên y tế, tại hội thảo Bảo vệ Blouse trắng diễn ra mới đây, ThS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, nhân viên y tế bị bạo hành gấp 4 lần so với ngành nghề khác.
PGS.TS. Nguyễn Đức Chính thăm khám cho bệnh nhân D.
Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc. Chỉ từ năm 2010 đến tháng 5/2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự BV trong đó năm 2014 có tới 7 vụ điển hình, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong vì bị bạo hành. Đáng nói, hầu hết nhân viên y tế bị bạo hành ở thời điểm đang phục vụ người bệnh. Tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. Đã có 2 trường hợp nhân viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là BS. Trần Văn Giàu - BVĐK Vũ Thư (Thái Bình) xảy ra vào năm 2012. Mới đây nhất, 1 nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn (Quảng Nam) cũng đã tử vong trong khi ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.
Theo ông Khoa, tại Việt Nam, việc xử lý bạo hành, gây hấn, xúc phạm nhân viên y tế còn quá nhẹ tay, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành xảy ra rất phổ biến. Trong khi ở các nước, hành vi này có thể sẽ bị giam giữ.
Công đoàn ngành y tế cũng đề xuất sửa đổi Luật Hình sự để đảm bảo hành vi tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cũng phải chịu hình thức xử phạt tăng nặng và hình phạt có tính răn đe như khi tấn công các lực lượng thi hành công vụ khác...