Hà Nội

Bạo hành bệnh viện - Bất bình, chưa đủ! Bệnh viện phải là nơi con người được tôn trọng và che chở nhất

05-08-2021 20:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bác sĩ, cán bộ y tế luôn phải chịu áp lực nặng nề trong công việc. Dịch bệnh COVID-19 khiến cho mỗi bác sĩ còn gánh thêm nhiệm vụ chống dịch như chống giặc. Vậy nên, cả xã hội bất bình khi mới đây xảy ra sự việc "cán bộ tát nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm".

Tuy nhiên, đó không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Những năm gần đây, những người làm công việc cứu người phải đối mặt với nguy cơ có thể bị hành hung bất cứ lúc nào. Đáng ngại là, cho tới nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để loại trừ vấn nạn ấy. Báo Sức khỏe & Đời sống mở diễn đàn : Bạo hành bệnh viện - Bất bình, chưa đủ! Qua đó mong muốn góp một tiếng nói để loại trừ những câu chuyện nhức nhối này.

Vấn nạn bạo hành bệnh viện trầm trọng tới mức năm 2018 từng có lúc bác sĩ kêu gọi "xuống đường để bảo vệ đồng nghiệp", đề nghị ngành công an lập chốt bảo vệ bệnh viện.
Bạo hành bệnh viện 1

Những đôi bàn tay nhăn nheo, xám bợt của thầy thuốc trong đại dịch nguy hiểm mang tên COVID-19.

Bạo hành bệnh viện, không giận sao được

Tôi đã nổi giận khi biết chuyện ấy. Chuyện một "đầy tớ" cỡ be bé ở thành phố đáng sống Đà Nẵng đã tát người phụ nữ đang làm nhiệm vụ lấy dịch xét nghiệm COVID -19. Lý do, theo như lời phân trần của "đầy tớ" đó là cô thầy thuốc làm cho gã bị đau. Cứ cho là gã bị đau thật đi nhưng cái cách phản ứng "côn đồ" như vậy không ai thông cảm và chấp nhận được. Một cán bộ của Đảng, của chính quyền tát người dân bình thường cũng đáng bị phê phán rồi huống chi đây cái tát ấy lại dành cho một thầy thuốc đang làm nhiệm vụ. Không giận sao được khi chúng ta biết rằng nhiều thầy thuốc, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống giặc COVID -19 đã chịu đựng vất vả, thiệt thòi như thế nào.

Có một bức ảnh làm nhói lòng hàng triệu người, chạm vào trái tim yêu thương chia sẻ của nhân dân. Đó là bức ảnh chụp bàn tay nhăn nheo, xám bợt của một thầy thuốc trong đại dịch nguy hiểm mang tên COVID -19. Nếu như cái tát man rợ của gã "đầy tớ" ở Đà Nẵng kia được thay bằng lời yêu thương hoặc đẹp hơn nữa là một cành hoa bé bỏng tươi tắn thì tuyệt vời biết bao. Chắc chắn người phụ nữ ấy sẽ rất ấm lòng và cảm thấy nỗi nhọc nhằn của mình cũng không có gì đáng kể.

Bạo hành bệnh viện 2

Các thầy thuốc đang ngày đêm nỗ lực chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Phát ngôn và hành vi của một con người có văn hóa bao giờ và ở đâu cũng hướng tới cái tốt đẹp. Cái tốt đẹp là nền tảng đạo đức luân lý của con người. Nó cứu rỗi thế giới bởi tinh thần giác ngộ lương thiện và xóa bỏ hận thù. Lớn là nhân loại, nhỏ hơn là từng quốc gia, bé hơn nữa là từng con người phải luôn biết hướng tới sự tốt đẹp tựa như sự bất biến về nhân phẩm được thể hiện trong mỗi ngày, mỗi thời khắc sống.

Vì sao cái tát của gã "đầy tớ" kia lại làm dậy sóng dư luận đến như vậy. Bởi nó đã đụng chạm đến sự trân trọng, yêu quý của cộng đồng dành cho các thầy thuốc. Hơn nữa, người bị tát là một phụ nữ mà như cách ta thường gọi họ thuộc phái đẹp, phái yếu. Đại dịch COVID-19 này đã làm vỡ ra nhiều thứ, trong đó phần công chúng quan tâm là tầm nhân cách, tính gương mẫu của một số cán bộ đảng viên. Vụ cái tát chưa yên thì bỗng ló ra vụ mấy cán bộ đi chơi gol với một F.0…

Bạo hành bệnh viện 3

Người dân đi xe máy về quê từ những địa phương có dịch

Mấy tay giám đốc sở và cục trưởng bỗng nhiên trở thành F1 ấy nghĩ gì khi thung thăng vui cùng người đẹp trong lúc cả nước đang chống dịch như chống giặc. Họ có vô tâm không khi trên quốc lộ 1A và một số tuyến đường khác đang có hàng nghìn con người yếu thế phải rời bỏ khỏi thành phố Hồ Chí Minh trước rất nhiều khó khăn trong tâm dịch.

Lúc này đây càng phải thể hiện rõ tinh thần thương dân, lo cho dân và sẵn sàng hi sinh vì dân. Chẳng phải là những mỹ từ làm đẹp cuộc sống đâu nhé, có rất nhiều cán bộ đảng viên và cả những người bình thường nữa đang hết lòng thương dân, lo cho dân, hi sinh vì dân ở nơi tâm dịch. Những chia sẻ mang tình cảm "Người trong một nước phải thương nhau cùng" làm ta rơi nước mắt; đôi khi chỉ là trái bí, quả bầu, bó rau… những thứ quà quê gửi về vùng dịch và không thể không nhắc tới những đội quân hướng về Sài Gòn trong đó có rât nhiều thầy thuốc tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch.

Cuộc sống ngập tràn yêu thương như thế nên chỉ cần một cái tát lẻ loi bất nhân của gã "đầy tớ" ấy cũng làm cộng đồng bất bình. Sóng dư luận nổi lên, cuồn cuộn. Vào mạng xã hội mấy ngày qua ta sẽ chứng kiến được điều đó. Một cái tát có thể là nhỏ nhưng đạo đức con người nói chung và cán bộ đảng viên nói riêng là vô cùng lớn. Tôi khuyên các "đầy tớ" của dân chớ bao giờ quên điều đó.

Thầy thuốc cũng là người làm dịu những đớn đau của người bệnh

Nhân đây cũng nói luôn rằng chuyện hành hung thầy thuốc cũng là một điều rất cần quan tâm trong xã hội ta. Vấn nạn này nên được mổ xẻ, soi chiếu một cách bình tĩnh, khách quan ở nhiều góc độ để tìm ra nguyên do và cách đề phòng, xử lý. Tôi nghĩ, chưa phải tất cả các thầy thuốc đều xứng danh là mẹ hiền nhưng bất luận trong trường hợp nào, lý do nào, hoàn cảnh nào cũng không được sử dụng vũ lực với họ. Đánh thầy thuốc là sự vô nhân đạo không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh. Bệnh viện phải là nơi con người được tôn trọng và che chở nhất. Chắc chắn đó không phải là nơi diễn ra những cảnh rượt đuổi, đánh đập như phim hành động. Bệnh viện phải là nơi tĩnh lặng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là nơi các thầy thuốc trở thành "điểm tựa" cả thể xác lẫn tâm hồn của bệnh nhân và ngược lại.

Đánh thầy thuốc là sự vô nhân đạo không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh. Bệnh viện phải là nơi con người được tôn trọng và che chở nhất.

Bạo hành bệnh viện 5

Ngày 5/8, đại diện Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM đã đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi kính viếng thân mẫu của điều dưỡng Hạng Mí Mua (công tác ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Bạ, Hà Giang). Khi COVID-19 bùng phát ở TP.HCM, điều dưỡng Mua đã xung phong cùng đồng nghiệp vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Mẹ mất nhưng anh không thể về chịu tang.

Hạnh phúc nhất là được sống trong một xã hội biết ơn. Sự hàm ơn trong trẻo xa xôi với những vụ lợi chỉ làm cho con người lớn hơn mà thôi. Và khởi nguyên của nó không thể khác, vẫn là yêu thương. Trong yêu thương có sự cảm thông, chia sẻ chân thành. Có từ hai phía, hai chiều: Thầy thuốc với bệnh nhân, bệnh nhân với thầy thuốc. Yêu thương không từ trên trời rơi xuống, nó chỉ được đan dệt nên bởi con người. Con người, mỗi cá thể mang một số phận nhưng tất cả đều chung quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Ngẫm ra, ở chặng khúc nào của một đời người cũng đều cần đến thầy thuốc cả.

Thầy thuốc là bà đỡ cho những đứa bé ra đời. Thầy thuốc chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho người trẻ, người già. Thầy thuốc cũng là người làm dịu những đớn đau của người bệnh. Một cái nắm tay nhẹ nhàng của thầy thuốc cũng có thể làm cho người bệnh bớt nỗi hoang mang. Và, trong những phút giây giã từ cõi tạm cái ân tình của thầy thuốc có thể làm cho cuộc ra đi của bệnh nhân vơi bớt u ám tang tóc.

Cuộc đời là vậy đó, nó chỉ có ý nghĩa khi cho và nhận đều thấm đượm tình thương. Bởi thế, hãy nói lời yêu với nhau, không chỉ một lần, không chỉ một ngày… với các mẹ hiền - những thầy thuốc đáng kính của chúng ta.


Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến của bạn