Liên tiếp xảy ra 2 vụ bạo hành bác sĩ tại Nghệ An
Ngày 14/6, Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Hoài Nam (33 tuổi, ngụ phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 20h30’ ngày 29/5, Nam đưa bạn là T. đến Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương để điều trị vết thương do tai nạn giao thông xảy ra trước đó. Tại đây, điều dưỡng Nguyễn Thu Trang làm thủ tục tiếp nhận anh T. vào viện cấp cứu. Điều dưỡng Trang đưa xe đẩy chở anh T. lên Khoa Ngoại của BV để chữa vết thương thì giữa anh T. và chị Trang có lời qua tiếng lại. Nam đã có lời lẽ chửi bới, đe dọa, dùng tay tát nhiều lần vào mặt và dùng chân đá làm chị Trang ngã xuống nền nhà. Bị đánh, chị Trang cố kìm nén cơn đau vẫn đưa anh T. lên Khoa Ngoại điều trị. Tại Khoa Ngoại, Nam tiếp tục có lời nói xúc phạm và chửi tục rồi dùng tay, chân đá vào nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hường - người tiếp nhận và đưa anh T. vào xử lý vết thương. Nhiều người chứng kiến sự việc đã can ngăn rồi gọi báo công an. Tại cơ quan công an, Nam thừa nhận hành vi sai phạm của mình và khai do trước đó có uống rượu, bia và lo cho sức khỏe của bạn nên dẫn tới mất kiểm soát hành vi...
Bị can Nguyễn Hoài Nam.
Trước vụ việc trên không lâu, cũng tại Nghệ An, một vụ tấn công bác sĩ diễn ra tại Bệnh viện đa khoa TP. Vinh với lý do hết sức phi lý “đặt ống nghe trong lớp áo mỏng”. Sự việc xảy ra vào tối ngày 15/4, một bệnh nhi 5 tuổi vào khám tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP. Vinh vì đau bụng, sau khi được bác sĩ Nguyễn Huy Hướng khám và siêu âm, mọi thứ đều bình thường. Khi BS. Hướng đề nghị cho bé nằm theo dõi, người nhà cháu bé đã có lời qua tiếng lại với bác sĩ, đồng thời họ đã xông vào tấn công và chửi bới bác sĩ.
Được biết, mâu thuẫn xảy ra khi BS. Hướng kiểm tra phổi cho cháu bé qua lớp áo. Một người nhận là chú cháu bé đã “dạy bảo” bác sĩ là nghe phổi như thế không chính xác và doạ giết bác sĩ vì “không biết khám bệnh”. Khi BS. Hướng phân bua về chuyên môn khám cho cháu bé là việc của bác sĩ, người nhà không nên can thiệp thì bất ngờ người chú của cháu bé nhảy vào đấm vào mặt bác sĩ. Chưa kịp hoàn hồn, ngay lập tức, người nhà bệnh nhi lại ra đòn tiếp. Tình thế nguy hiểm, BS. Hướng đã bỏ chạy. Thấy tình hình bác sĩ bị nguy hiểm, có người gọi điện báo cảnh sát và rất may cảnh sát cơ động đã đến kịp thời. Cơ quan CSĐT Công an TP. Vinh đã tiến hành tạm giữ Đậu Đình Hiếu (26 tuổi, trú TP. Vinh) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Không để bất lực với nạn bạo hành
Có thể thấy, thời gian qua, ngành y tế đã sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng BHNVYT trong các cơ sở khám chữa bệnh như tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng hài lòng người bệnh, trang bị camera, bố trí thêm đội ngũ an ninh hoặc phối hợp với công an trong địa bàn... nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, diễn ra ở một số nơi. Và sau mỗi vụ hành hung bác sĩ, không chỉ ngành y tế mà dư luận xã hội cũng dậy sóng bất bình. Tất nhiên cơ quan công an cũng đã vào cuộc, những kẻ hành hung đều bị bắt và xử lý nghiêm theo pháp luật. Thế nhưng, những vụ việc ấy rồi sẽ dần bị quên lãng cho đến khi vụ việc tiếp theo xảy ra, chúng ta mới lại giật mình trước mối hiểm nguy hiện hữu trong môi trường làm việc của những người thầy thuốc.
Như 2 vụ việc nói trên, cho thấy BHNVYT có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi và có nguy cơ xảy ra vào bất cứ lúc nào với các lí do hết sức lãng xẹt và phi lí. Có một thực tế đáng buồn là đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ hay những đối tượng có tiền án, tiền sự mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy Nhà nước. Trước thực trạng này, chúng ta không thể không đặt câu hỏi phải chăng chưa có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này?
Đây cũng chính là mối lo mà người đứng đầu ngành y tế - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng nhiều lần trăn trở và bày tỏ chính kiến. Đặc biệt, tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT giữa Bộ Y tế và Bộ Công an về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế vừa diễn ra mới đây (ngày 12/6/2019), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tình trạng mất an ninh trật tự trong khu vực bệnh viện đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế và gây tâm lý hoang mang lo lắng đối với cán bộ y tế. Sự bất ổn về tình hình an ninh, trật tự trong bệnh viện cũng khiến người bệnh có cảm giác bất an, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả điều trị. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, với nỗ lực của toàn ngành Y tế, sự tham gia phối hợp nhiều ban, ngành, đặc biệt là sự phối hợp của Bộ Công an, công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế sẽ ngày càng được củng cố, tăng cường, góp phần xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng “Công bằng, chất lượng, hiệu quả và phát triển”. Hy vọng những trăn trở và mong muốn của Bộ trưởng sớm thành hiện thực.