Bao giờ hết vi phạm tác quyền âm nhạc?

23-03-2016 07:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bấy lâu, việc đảm bảo tác quyền âm nhạc ở nước ta đã dần đi vào khuôn khổ bởi sự nhập cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng chuyên trách cũng như sự quyết liệt từ chủ sở hữu.

Bấy lâu, việc đảm bảo tác quyền âm nhạc ở nước ta đã dần đi vào khuôn khổ bởi sự nhập cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng chuyên trách cũng như sự quyết liệt từ chủ sở hữu. Nhưng gần đây, vi phạm tác quyền bỗng nóng trở lại khi nhạc sĩ Giao Tiên cho biết, Trung tâm Vân Sơn thời gian qua đã nhiều lần sử dụng tác phẩm của ông để biểu diễn mà không xin phép, bỏ qua trả phí bản quyền theo luật định.

“Quên” trả phí tác quyền có hệ thống?

Theo nhạc sĩ Giao Tiên - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng được người yêu nhạc mến mộ như Cô Thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non…, nhiều năm qua, Trung tâm Vân Sơn (trước đây hoạt động ở hải ngoại, nay đã chuyển về Việt Nam) sử dụng các tác phẩm của ông trong các chương trình biểu diễn, ghi hình nhưng đã bỏ qua vấn đề tác quyền. Tuy nhiên, chỉ khi nhạc sĩ Giao Tiên được người ta tặng đĩa DVD do Trung tâm Vân Sơn thực hiện thì vị nhạc sĩ lão làng mới biết bài hát của mình được sử dụng mà nhà sản xuất không hề xin phép.

Trung tâm Vân Sơn do nghệ sĩ hải ngoại Vân Sơn (bên trái) đứng đầu sử dụng nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Giao Tiên thời gian qua mà không trả phí tác quyền.

Khi phát hiện sự việc đó, nhạc sĩ Giao Tiên thu thập thêm nhiều băng, đĩa do Trung tâm Vân Sơn thực hiện và được phát hành trong nước thì ngã ngửa vì nhiều ca khúc của ông được trung tâm sử dụng như Mưa đêm tỉnh nhỏ, Bông điên điển, Mùa mưa đi qua… song không hề được thông báo, không xin phép và vì thế lơ luôn việc chi trả tác quyền. Đáng buồn hơn nữa khi nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ, nhiều lần gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử (email) tới Trung tâm Vân Sơn để hỏi về tác quyền của mình song mọi thứ đều rơi vào im lặng.

Không chỉ có nhạc sĩ Giao Tiên rơi vào tình cảnh này mà một số đồng nghiệp của ông như Hà Phương, Hàn Châu, Hoàng Phương… cũng bị Trung tâm Vân Sơn tự ý lấy để thực hiện chương trình khi còn hoạt động tại hải ngoại, tuy nhiên, tất cả tác giả là chủ sở hữu tác phẩm đều không được phía trung tâm xin phép, điều đó cũng đồng nghĩa với việc phía thực hiện chương trình vi phạm tác quyền âm nhạc.

Ngược dòng thời gian, ở nước ta không thiếu những sự việc từng làm nóng dư luận khi các cá nhân, tổ chức cố tình quên hoặc phớt lờ phí tác quyền âm nhạc, thậm chí nhạc sĩ Phó Đức Phương - người đứng đầu Trung tâm Bảo hộ Bản quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam năm 2014 phải trực tiếp đến “đòi” tiền tác quyền ngay tại chương trình của ca sĩ hải ngoại Khánh Ly tại Đà Nẵng làm dư luận dậy sóng. Bởi thế, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, trong vài năm qua, có hàng nghìn chương trình biểu diễn không trả tiền tác quyền cho tác giả. Có rất nhiều chương trình được cấp phép nhưng lại chây lười hoặc không chi trả tiền cho các nhạc sĩ…Những sự việc đó cho thấy sự thiếu tôn trọng của các tổ chức, cá nhân đối với tác giả, đồng thời phản ánh hành vi vi phạm trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc ở nước ta.

Cần có ý thức và hiểu biết pháp luật

Có một thực trạng chung trong các vụ việc vi phạm tác quyền âm nhạc thời gian qua ở nước ta - đó là các tổ chức, cá nhân thường bày tỏ lời xin lỗi và thực hiện việc chi trả tác quyền đầy đủ khi đã sử dụng tác phẩm của người khác, mà trước đó chưa hề xin phép, trao đổi và thương lượng mức giá giữa hai bên. Như mới đây, ông Vân Sơn - Giám đốc Trung tâm Vân Sơn, khi được nhạc sĩ Giao Tiên lên tiếng về việc trung tâm “quên” chi trả tác quyền, Vân Sơn mới gửi lời xin lỗi vị nhạc sĩ và cho biết: “Chúng tôi sẽ có những thỏa thuận cụ thể trong việc chi trả bản quyền và thanh toán ngay trong vài ngày tới”. Đây không phải là trường hợp tiêu biểu, ở nhiều sự việc tương tự không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà cả văn học, chỉ khi chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức được ủy quyền lên tiếng thì đơn vị, cá nhân vi phạm mới bắt đầu hợp tác và chi trả tiền tác quyền.

Rõ ràng, các vụ việc vi phạm tác quyền âm nhạc ở nước ta thời gian qua chủ yếu đến từ ý thức của đơn vị, cá nhân muốn sử dụng tác phẩm. Nói cách khác là người ta muốn dùng “miễn phí” tác phẩm của người sáng tạo ra tác phẩm đó với rất nhiều chất xám đã bỏ ra. Nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam, vấn đề bản quyền tác giả nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng đã được quy định trong hầu hết các văn bản pháp lý liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cùng với đó, hiện nay, nước ta đã có những tổ chức hợp pháp được tác giả ủy quyền giải quyết các vấn đề về tác quyền âm nhạc. Do đó, cá nhân hoặc tổ chức muốn sử dụng ca khúc đã được bảo hộ bản quyền cần phải tuân thủ những quy định pháp luật hoặc tìm đến tổ chức bảo vệ tác quyền để trao đổi, thương lượng chứ không nên “tiền trảm hậu tấu”.

Tin chắc rằng, khi tất cả chúng ta tôn trọng bản quyền tác giả âm nhạc và nâng cao ý thức trong việc sử dụng tác phẩm thì vấn nạn vi phạm tác quyền sẽ được đẩy lùi và không còn những sự việc đáng tiếc như thời gian qua. Ngược lại, “ngọn lửa” tác quyền âm nhạc sẽ còn âm ỉ cháy và khiến nhiều tác giả phải thở dài, ức chế...


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn