Nhiều giải pháp đồng bộ xử lý ô nhiễm làng nghề
Nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại môi trường tại các làng nghề, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 307/KH-UBND về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các chỉ tiêu đặt ra là đến hết năm 2025, hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải, 100% làng nghề được công nhận trên địa bàn Hà Nội được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch này đến tất cả các tổ chức, nhân dân và cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện. Các sở, ngành và chính quyền các cấp thành phố tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.
Sở TN&MT Hà Nội cho biết trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND TP Hà Nội tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP sẽ huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, công suất 20.000 m3/ngày đêm; hoàn thành cơ bản Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000 m3/ngày đêm... đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho các địa phương này.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống xử lý nước thả làng nghề cơ kim khí Thanh Thủy, Thanh Oai công suất 1.000 m3/ngày đêm giai đoạn 2021 – 2025 và nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Hoài Đức, công suất 4.000 m3/ngày đêm…
Mặt khác, nhằm đưa hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư và bảo vệ môi trường làng nghề, TP Hà Nội đã thành lập được nhiều cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Đến nay đã khoảng 30/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Thời gian tới, UBND TP Hà Nội thành lập thêm hơn 40 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Hà Đông…
Làng nghề ở đâu ô nhiễm… ở đó
Đề án này trước đó đã được Sở TN&MT TP Hà Nội nghiên cứu chi tiết. Trong năm 2021 vừa qua, thành phố đã tập trung rà soát đánh giá, phân loại 165 làng nghề, từ đó, đưa ra các phương án đầu tư, bảo vệ môi trường làng nghề hiệu quả.
Sở TN&MT Hà Nội đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu, phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.
Điển hình như làng Triều Khúc, xã Tân Triểu, huyện Thanh Trì từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, tái chế nhựa. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước trở lại đây, các ngành nghề phụ với mức thu nhập cao từ Triều Khúc cũng bắt đầu lan sang làng Yên Xá, vốn trước đây là làng thuần nông. Hiện nay, xã có đến gần 200 cơ sở sản xuất thuộc 8 ngành nghề khác nhau gồm: Thu mua phế liệu, sơ chế lông vũ, tái chế nhựa, nhuộm hấp chỉ, xay xát nhựa phế liệu, sản xuất nước uống đóng chai, rút chỉ đồng, trong đó, đông nhất vẫn là nghề xay xát và tái chế nhựa. Trong quá trình hoạt động, nước thải phát sinh không qua xử lý, chảy thẳng ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân làng nghề.
Hay xã Phú Yên là làng nghề da giày truyền thống của Hà Nội hiện có hơn 500 hộ, tổ hợp sản xuất, kinh doanh giày dép da, thu hút hơn 1.300 lao động trong và ngoài xã. Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường trung bình 10 triệu đôi giày dép, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải kém hiệu quả, từ vải và da vụn thải ra trong quá trình sản xuất đến tình trạng đổ trộm rác... khiến cho đường làng ngõ xóm, kênh mương lúc nào cũng bừa bộn rác. Thêm và đó, việc đốt rác thải lộ thiên làm cho tình trạng ô nhiễm không khí luôn hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tương tự cũng thường xuyên diễn ra tại xã Sơn Hà, nơi có nghề tết võng dù, gia công đồ thủ công mỹ nghệ như túi xách, ba-lô, ví da... Mặc dù việc thu gom rác thải do công ty môi trường đảm nhận nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý quá lớn của địa phương.
Tương tự, cả 3 xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai (huyện Hoài Đức) đều có nhiều điểm tương đồng với nhau, cùng là làng nghề, cùng chế biến nông sản với quy mô lớn, cùng nằm bên bờ con sông Đáy, tình trạng ô nhiễm môi trường đều cùng mở mức trầm trọng. Tính tới thời điểm hiện tại, cả ba xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai có tới hàng nghìn hộ gia đình tham gia chế biến, sản xuất mì gạo, bột sắn dây, miến dong, mạch nha, bánh kẹo… từ nông sản.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vụ “Dì ghẻ”: Người cha máu lạnh có thể đối mặt với mức án bao nhiêu năm tù? | SKĐS